Theo nhận định từ chuyên gia nghiên cứu thị trường CBRE, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân đạt 27% trong 2 năm vừa qua, nằm trong những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á. Đà tăng trưởng ấn tượng được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng, sự phổ biến của những hãng hàng không giá rẻ (như VietJet, AirAsia), chương trình đăng ký thị thực điện tử cho 40 quốc gia và miễn thị thực cho 5 quốc gia Châu Âu, tiêu dùng nội địa và những động thái của Chính phủ nhằm khuyến khích và thúc đẩy nền du lịch quốc gia.
Hơn nữa, cách mạng công nghệ số đã thay đổi cơ chế hoạt động của ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Các chủ đầu tư và đơn vị quản lý khách sạn đang thay đổi cách tiếp cận với các đối tượng khách hàng trẻ - những người đang dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh và Internet hơn bao giờ hết.
Sức ảnh hưởng của cách mạng công nghệ số tới thị trường du lịch được thể hiện qua việc nhiều khách sạn đang tăng cường ngân sách tiếp thị qua các kênh trực tuyến, cũng như sử dụng những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm tới những người theo dõi họ, và các công nghệ mới (e-concierge, chatbot, rô bốt phục vụ) đang được ứng dụng nhiều hơn nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên tục của khách sử dụng khách sạn. Các đại lý đặt phòng trực tuyến (“OTA”) như Booking và Agoda đang trở thành kênh đặt chỗ phổ biến cho rất nhiều du khách, trong khi các nền tảng kinh tế chia sẻ cũng đang tạo ra những chuyển biến đáng kể trong ngành du lịch của Việt Nam.
Đáng chú ý là mặc dù Airbnb mới xuất hiện trên thị trường trong 10 năm trở lại đây nhưng nền tảng này đã ghi nhận 5 triệu lượt đăng ký cho thuê trên 191 quốc gia trong khi 10 đơn vị quản lý khách sạn lớn nhất thế giới hiện đang quản lý xấp xỉ 6,1 triệu phòng. Dữ liệu từ AirDNA (website theo dõi hiệu quả hoạt động của Airbnb) cho thấy tính tới tháng 8/2018, Hà Nội và TP.HCM ghi nhận 21.994 đăng ký cho thuê trên Airbnb trong khi số phòng của các khách sạn 4 - 5 sao hiện hữu trên địa bàn chỉ là 17.426 phòng.
Tuy nhiên, giá cho thuê trung bình của Airbnb tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với giá cho thuê của khách sạn 4 - 5 sao (36 USD với 106 USD tại Hà Nội, 44 USD với 108 USD tại TP.HCM). Có thể nói, Airbnb đã ghi nhận sự phát triển nhanh trong thời gian gần đây nhưng tại thị trường Việt Nam thì nền tảng này hiện chỉ đang cạnh tranh trực tiếp với khách sạn 3 sao hoặc thấp hơn do có sự tương đồng trong mức giá, và chưa tạo nhiều thách thức cho phân khúc 4 - 5 sao.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả trong những năm gần đây. Bất chấp việc nguồn cung tăng mạnh tại các phân khúc khác nhau trên cả nước, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. So sánh những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á, tổng số sản phẩm của bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất lớn.
Nhiều chủ đầu tư cũng có cái nhìn lạc quan về tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông Lê Minh Dũng, Phó giám đốc điều hành BIM Group, cho biết: “Tổ chức Du lịch Thế giới vừa qua đã xếp Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất trên thế giới, và du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về lượng và chất. Chúng tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực về thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và các điểm đến mới như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt, Quảng Bình, Sapa, Ninh Thuận, Hải Phòng.”
Theo CBRE nhận định, một lượng lớn các sản phẩm sẽ sớm được bàn giao và sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn với các nhà đầu tư cho thuê. Các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng chiến lược marketing và chính sách bán hàng phù hợp nhằm tăng sức hút của sản phẩm đối với khách hàng nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo tính bền vững trong mô hình kinh doanh của họ. Mặc dù các chương trình cam kết lợi nhuận gần đây được xem là một trong những công cụ bán hàng hiệu quả để thu hút giới người mua, các chủ đầu tư đang thể hiện sự cẩn trọng trong việc áp dụng các chương trình này.
Theo ông Robert McIntosh, Giám Đốc Điều Hành của CBRE Hotels Châu Á - Thái Bình Dương: “Một số tranh chấp đã xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư về hiệu quả lợi nhuận của các chương trình tương tự ở các thị trường phát triển hơn như ở Thái Lan và Úc. Các dự án có chất lượng tốt, được xây tại vị trí phù hợp, có tiềm năng hút khách du lịch khi đi vào hoạt động thì khả năng thu hút khách sẽ vẫn cao nếu không có các chương trình này. Song song đó, các yếu tố kích cầu vĩ mô vẫn khả quan kết hợp với chiến lược marketing phù hợp của các chủ đầu tư, và sự đa dạng hóa trong sản phẩm của các dự án sẽ giúp duy trì được sự tăng trưởng cho thị trường bất động nghỉ dưỡng Việt Nam”.
An Vũ