Hiu hắt những mảnh đời trên sóng
Xóm chài Tân Thịnh nằm ngay dưới chân cầu Hòa Bình, thuộc phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình. Cả xóm chỉ có chừng vài chục hộ gia đình sống trong những “căn nhà” nổi bồng bềnh trên mặt nước. Đến Tân Thịnh, tôi đã gặp những đứa trẻ thịt da ngoang nguếch, những người đàn bà buồn bã và những cụ già lụ khụ cô đơn trong những con thuyền rách nát mà người ta quen gọi là nhà để nghe tiếng thở dài nằng nặng rưng rưng.
Nhà chị Nguyễn Thị T. ở đầu xóm chài, gió lồng lộng thốc vào. Gọi là nhà cho chị T. khỏi tủi thân, chứ thực ra đó chỉ là con thuyền đánh cá cũ được chị sang sửa lại chút ít để phù hợp với sinh hoạt. Từ những thân cây, mảnh gỗ dạt về từ đầu nguồn sông Đà, chị nhặt vớt rồi đem cưa đục ốp vào thành tường vách. Tuy đáy thuyền có khoảng hơn chục chiếc thùng phuy cũ được hàn thành chiếc phao, nhưng mỗi lần sóng to, gió lớn, “căn nhà” lại chao lên, hụp xuống, lắc lư như lên đồng. Người không quen sông nước, ngồi uống chưa hết chén nước trà cũng đủ hoa mắt, chóng mặt. Vậy mà suốt mấy chục năm nay, mọi sinh hoạt của 5 con người trong gia đình chị T. đều diễn ra trên mấy m2 thuyền.
Chị T. cùng những cư dân của cái xóm nổi này, họ phải dạt xuống bãi sông này tá túc, sống tạm bợ lần hồi nghĩa là đã hết cách để… sống trên bờ. Ban đầu xóm chài chỉ lèo tèo vài hộ gia đình dạt về từ Sơn La, Điện Biên…, sau thì đông dần. Phần lớn những gia đình ở đây đều làm nghề chài lưới, vì sa cơ lỡ vận hoặc do hoàn cảnh, số phận đẩy đưa, họ lần lượt kéo về đây tạo thành xóm chài này. Mấy chục hộ gia đình vật vờ bám trụ mưu sinh dưới mép nước này mỗi người có một hoàn cảnh, một “quê cha đất tổ” khác nhau, nhưng có một điểm chung là họ đều bế tắc, không có cách gì để kiếm được một “tấc đất cắm dùi”.
“Mấy năm trước còn đỡ, chứ giờ cá mú cũng ít, may mắn lắm mới đủ ăn. Hơn nữa, trên thượng nguồn người ta đánh bắt bằng mìn, bằng kích điện theo kiểu tận diệt rồi, sông Đà chảy về đến đây cũng chỉ còn lại toàn là… nước. Có ngày hai vợ chồng tôi giăng lưới từ sáng đến chiều cũng chỉ kiếm được mớ cá vụn, bán đi đủ đong vài cân gạo. Đến ngay cả tiền quần áo, mua sách vở, đóng học đầu năm cho mấy đứa trẻ còn chưa có, biết lấy gì mà mua sắm đồ chơi trung thu?”, chị T. than thở.
Và ở xóm chài Tân Thịnh, cái nghèo của gia đình chị T. không phải là cá biệt. Không chỉ hai đứa con chị T., mà phần đông những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên xóm nổi này đều mong mỏi, thèm khát được đón một cái tết Trung Thu đúng nghĩa và trọn vẹn. Gia cảnh của chúng, đa phần là nghèo. Bố chài lưới, mẹ chạy chợ, cuộc sống bấp bênh, lay lắt. Ngay từ lúc chúng mới sinh ra đã phải chịu rất nhiều thua thiệt.
Trong khi những đứa trẻ khác được bố mẹ chăm chút, chiều chuộng thì những “mầm non của vạn chài” đã phải làm đủ thứ việc phụ giúp gia đình, từ việc bếp núc đến việc đi mót con tôm, con cá bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuổi thơ của chúng là chuỗi ngày khốn khó.
Cũng vì đường sá không thuận tiện, đò ngang cách trở nên cái chữ đến với các em nhỏ nơi đây cũng khó khăn không kém. Dù được miễn giảm tiền học, nhưng hành trình đến lớp của chúng gặp muôn vàn trở ngại. Sáng sáng, anh bồng em, em níu chị chòng chành trên những chiếc thuyền lá tre để vào bờ. Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa nước dềnh lên, sóng to gió cả, thuyền cứ xoay tít như chong chóng. Nhiều đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học nhưng đã xem cái chuyện đi kiếm tiền quan trọng hơn nhiều việc học hành để đổi đời. Thế nên, ở xóm nổi có rất ít học sinh theo học lên hệ cao đẳng, đại học.
Nối dài những ước mơ
Rằm tháng Tám đã cận kề, khắp phố phường tràn ngập màu sắc của đồ chơi, bánh kẹo, đèn lồng, thế nhưng, dường như cái không khí tươi vui, rộn rã ấy nó không vượt sóng ra được đến xóm chài. Chỉ còn cách Trung thu có vài ngày mà không khí của những gia đình ở đây cũng chẳng lấy gì làm khác so với ngày thường. Mấy đứa trẻ loăng quăng mạn thuyền, mấy bà mẹ hì hụi giặt giũ, không khí trễ nải. Ngay phía bờ, gần với xóm chài Tân Thịnh nhất cũng có vài cửa hàng tạp hóa treo bán đồ trung thu, nhưng khách hàng thưa vắng.
Chị Bình - chủ sạp hàng bánh trung thu ở phường Tân Thịnh, cho biết: “Mấy năm nay, cứ cách trung thu 10 - 15 ngày, tôi mới mua hàng về bán vì nhu cầu của người dân ở đây không lớn. Mỗi ngày chỉ bán được chừng 20 - 30 chiếc bánh là nhiều. Mà cũng chỉ là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo bình dân được sản xuất thủ công bởi các cơ sở tư nhân ngoài thành phố, với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/chiếc. Người mua chủ yếu là dân ở quanh đây thôi, chứ dân ở xóm chài Tân Thịnh họ ít mua lắm”.
Trong khi các em nhỏ ở khu vực thành phố, thị trấn quen với đủ đầy về vật chất, sự quan tâm từ gia đình, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết thì việc rước đèn ông sao, phá cỗ trông trăng vào đêm Rằm tháng 8 là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng đối với các em nhỏ xóm chài Tân Thịnh thì việc có một tụ điểm để vui chơi mà không lo rơi xuống sông cũng đã là một sự khao khát, thèm muốn, chứ chưa nói gì đến chuyện khác.
Cách đây ít lâu, tôi đã từng được nghe ông Ngô Văn Tám (SN 1927), người gắn bó lâu nhất với xóm chài Tân Thịnh, tâm sự: “Sống ở trên mặt nước, mọi thứ đều bất tiện. Trước kia, mỗi khi có người “nhắm mắt xuôi tay”, cả xóm lại nháo nhào lo sợ. Năm bảy cái thuyền ghép vào làm rạp, người chết lẫn người sống đều bồng bềnh trên sóng. Phải đến khi có địa phương nào đồng ý cho chôn nhờ, chúng tôi mới dong thuyền đến đó. Vừa khóc thương người chết, vừa khóc thương cho bản thân mình. Hàng chục năm nay, chúng tôi làm đơn xin mua đất để lên bờ nhưng chưa được, còn phải chờ trên duyệt. Nhà cửa, đất cát không có, đến lo chỗ chơi cho lũ trẻ còn không xong nói gì đến chuyện rước đèn ông sao với phá cỗ…”.
Gần “nhà” ông Tám là chiếc thuyền của vợ chồng anh Nguyễn Văn Q. Anh Q. ngoài 40 tuổi, người gầy nhẳng. Gia đình anh, có lẽ là gia đình túng bấn nhất ở cái xóm chài này. Ngày ngày, anh dong thuyền ra sông kiếm cá, chị phụ việc lặt vặt. Anh chị có 3 đứa con, đứa lớn nhất lên 10, đứa nhỏ nhất 6 tuổi, chúng vừa tự lo chuyện giặt giũ, trông nom nhau đến chuyện cơm nước. Với thân thể ốm o, mặt mũi lúc nào cũng xanh bủng như thiếu máu, nên việc phải đánh vật với sông nước đối với anh Q. là chuyện chẳng đặng đừng. Anh bảo, sống ở xóm nổi, sau nỗi lo mưa gió bão bùng, người dân sợ nhất những ngày lễ tết. Là bởi, khi đó người ta mới lâm vào trạng thái bi ai nhất của phận cô đơn nghèo khó.
“Nói chẳng giấu gì chú, chứ nhìn ngay phía trên cầu Hòa Bình, người ta ấm áp, sum họp, hạnh phúc mà mình buồn thắt lòng. Nhiều lúc cũng muốn bỏ quách mọi thứ để lên bờ, nhưng một mảnh đất cắm dùi không có, biết đi đâu, về đâu, làm gì để sống? Có bận tớ theo người ta đi xách vữa, phụ hồ, nhưng cũng chỉ dăm bữa nửa tháng phải “bỏ của chạy lấy người”. Mình dân sông nước quen rồi, giờ bắt trèo tường, leo dàn giáo thì hoa mắt, chóng mặt không chịu nổi. Thôi lại đành quay về làm anh thuyền chài đánh bạn với tôm cá vậy. Lần hồi, chạy ăn từng bữa, không để lũ trẻ đói là may rồi, chứ giờ lấy đâu tiền mà mua đồ chơi trung thu cho chúng? Giờ tôi chỉ mong chính quyền xét duyệt cho mua mảnh đất, vợ chồng con cái dắt díu nhau lên bờ ở cho nó đỡ tủi phận”, anh Q. tâm sự.
Anh Q. còn cho biết thêm, mấy năm gần đây, chính quyền phường Tân Thịnh, cũng như các cơ quan đoàn thể ở địa phương quan tâm của nên đời sống của người dân xóm chài cũng thay đổi phần nào. Mỗi dịp Trung thu, nhiều tổ chức, cá nhân kết hợp với tổ dân phố đã đứng ra vận động quyên góp tiền, quà bánh để tổ chức cho trẻ em xóm chài, nhưng nó chỉ đáp ứng được phần nào. Trẻ em vẫn cần có không gian để vui chơi. Điều cần thiết và cấp bách đối với gia đình anh và một số hộ dân ở đây là một chỗ ở ổn định, lâu dài.
Chiều xuống, nhìn lũ trẻ trứng gà trứng vịt trần truồng ùa xuống bờ sông dưới chân cầu Hòa Bình mà ngụp lặn, vô tư cười đùa, hò hét, người ta không khỏi chạnh lòng. Những đứa trẻ đó, có lẽ chúng chưa đủ lớn để hiểu hết số phận hẩm hiu của chính mình. Nếu tiếp tục phải neo đời trên sóng thì không biết tương lai của những đứa trẻ đó sẽ về đâu, chúng sẽ phải đón thêm bao nhiêu cái trung thu trong buồn tẻ?