Trong khoảng vài năm trở lại đây, hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những bước khởi sắc. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics như vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường thủy, kho bãi, đại lý hải quan, giám định hàng hóa,... Riêng một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động logistics tổng hợp như dịch vụ kho bãi, bốc xếp container, đại lý hải quan, vận tải, lưu kho, bảo quản hàng hóa tại các Cảng nội địa ICD Lào Cai của Công ty Cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam, các Trung tâm Logistics của Công ty Cổ phần Logistics Kim Thành, Công ty Cổ phần Logistics Việt - Trung, Công ty Cổ phần 379...
Tổng diện tích kho bãi dịch vụ hiện tại đạt trên 200.000m2. Trong đó, có khoảng trên 2.000m2 là kho lạnh phục vụ lưu giữ, bảo quản hàng nông sản tươi sống. Hoạt động thanh toán phục vụ xuất nhập khẩu được phối hợp chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân đặc biệt là thanh toán quốc tế và thanh toán biên mậu. Thủ tục hải quan đã được hiện đại hóa, thực hiện tự động qua nhiều hệ thống mới nhất hiện nay.
Để có được những đột phá này là nhờ vào nhiều yếu tố mang tính lực đẩy, góp phần tạo nên một trung tâm logistics đầy sôi động mang tên Lào Cai. Một trong những yếu tố đầu tiên thúc đẩy sự phát triển là nhờ vào vị trí trọng yếu của tỉnh Lào Cai. Nằm ở vị trí quan trọng trong hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc; kết nối tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là cầu nối, trung tâm trung chuyển giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, tỉnh Lào Cai sở hữu nhiều tiềm năng cho sự trỗi dậy của dịch vụ logistics.
Được nhiều chuyên gia trong giới nhận định sẽ là một trung tâm logistics sôi động bậc nhất cả nước, Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, thu hút được và đưa vào khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics cơ bản, thiết yếu như 1 trung tâm logistics hạng II, hệ thống kho bãi, trung tâm tiếp vận, kho chuyên dụng đảm bảo hiện đại, đáp ứng được nhu cầu lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng sau khi cầu Bản Vược (Việt Nam) - Bá Sai (Trung Quốc) hoàn thành và thực hiện thông quan.
Để hỗ trợ, phát triển hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai, phấn đấu đạt được những mục tiêu trên, ngành Công Thương đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới với 4 nội dung gồm:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách phát triển logistics. Cụ thể, rà soát các quy định về đầu tư, logistics tại Luật Đầu tư, Luật Thương mại và các Nghị định đã được ban hành để định hướng, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics; đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành xem xét cho phép tỉnh Lào Cai xây dựng Đề án “Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm trung chuyển giữa Việt Nam, các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc” và phê duyệt một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu KTCK Lào Cai để đầu tư cho Khu KTCK từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn.
Thứ hai, triển khai các nội dung của Đề án “Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 gắn với hoạt động phát triển thương mại, dịch vụ của Khu kinh tế cửa khẩu trong đó triển khai thực hiện quy hoạch Kho, bãi tại các cửa khẩu biên giới phục vụ dịch vụ logistics; phát triển các dịch vụ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu (vận tải đa phương thức, giám định hàng hoá, bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông...). Nâng cao năng lực vận tải, kho bãi, xếp dỡ hàng hóa, bảo đảm khả năng vận chuyển hàng hóa bằng container phục vụ xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và quá cảnh.
Thứ ba, tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng logistics và triển khai các dịch vụ logistics: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dịch vụ logistics phục vụ hoạt động XNK. Đối với các dự án đã và đang đầu tư, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu bổ sung một số dịch vụ logistics cần thiết. Tăng cường thu hút nhà đầu tư xây dựng Trung tâm logistics hạng II với đầy đủ cơ sở hạ tầng về trang thiết bị, hệ thống kho chuyên dụng trong Khu Kim Thành - Bản Vược; đồng thời, quan tâm mời gọi các doanh nghiệp logistics lớn (như: Công ty Cổ phần Vinafco, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH quản lý tư vấn Mapletree, Công ty DACO logistics, Công Ty Cổ Phần Giao Nhận và Vận chuyển Indo Trần) tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ logistics tại Lào Cai.
Thứ tư, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo ngắn hạn, cử các các bộ chủ chốt của các cơ quan ban ngành có liên quan, khuyến khích tham gia các hội thảo chuyên ngành về logistics được tổ chức trên địa bàn Tỉnh, trong nước nhằm cập nhật, bổ sung và nâng cao nhận thức về logistics cũng như là khả năng phát triển hệ thống logistics ở tầm địa phương, cấp vùng và cấp quốc gia. Còn đối với doanh nghiệp cần tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực kho vận, kê khai hải quan, vận tải đa phương thức, giao nhận/vận tải xuyên biên giới...
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/lao-cai-nhieu-tiem-nang-tro-thanh-tt-logistics-soi-dong-20201231000002318.html