Hải Phòng – Thành phố cảng giàu tiềm năng

Hải Phòng được biết đến là thành phố cảng, cửa ngõ chính đổ ra biển của cả khu vực phía Bắc, có vị trí đặc biệt quan trọng để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hội nhập với khu vực, quốc tế.

Với hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ gồm Cảng cửa ngõ quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hệ thống đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế,… cùng việc đầu tư khá bài bản với những bãi container, kho ngoại quan, kho CFS và lực lượng các loại hình vận tải đa phương thức - TP Hải Phòng hoàn toàn có nhiều tiềm năng để có thể phát triển thành trung tâm logistics quốc tế.

Đặc biệt, Hải Phòng có cảng biển nước sâu Lạch Huyện được xem là “cái rốn” của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài - nguồn động lực lớn cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics.

TP Hải Phòng
TP. Hải Phòng  - tiềm năng lớn cho ngành logistics (Ảnh Sưu tầm)

Theo định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của TP. Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nơi đây sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.

Mục tiêu đã đề ra, tuy nhiên, ngành cung ứng dịch vụ logistics Hải Phòng đang gặp phải những rào cản cho sự phát triển. Trong đó, công tác liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp logistics cũng như liên kết trong vùng chưa được khai thác mạnh. Hệ thống các doanh nghiệp như cảng biển, kho bãi, vận tải còn nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, tự phát, chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, giảm hiệu quả tổng thể.

Doanh nghiệp Logistics “đông nhưng chưa mạnh”

Đó là thực trạng của ngành logistics tại Hải Phòng hiện nay qua lời phát biểu của TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại hội nghị “Liên kết dịch vụ Logistics Hải Phòng”.

Tại hội nghị, TS. Lộc đã khẳng định, việc phát triển logistics Hải Phòng còn quá đơn lẻ, thiếu quy hoạch.

Vũ tiến Lộc
TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại hội nghị “Liên kết dịch vụ Logistics Hải Phòng” (Ảnh Diễn đàn Doanh nghiệp)

“Dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Đặc biệt, Hải Phòng từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính là Hà Nội và TP. HCM.

Việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”. – ông Lộc nói.

Như vậy, bản chất tại TP.Hải Phòng đã có hàng trăm doanh nghiệp được xây dựng hoạt động nhằm phục vụ ngành logistics, khai thác dư địa lớn tại đây. Tuy nhiên, việc “đông” các doanh nghiệp không chứng tỏ rằng ngành logistics đang trên đà phát triển “mạnh”. Do đó, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng là yêu cầu tất yếu.

Bên cạnh thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, thì chi phí ngành logistics ở Việt Nam cũng là một vấn đề cản trở sự vươn lên của thị trường này.

Theo ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khó khăn nổi bật của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là chi phí còn ở mức cao so với mức trung bình của thế giới. Kết cấu hạ tầng logistics chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các trung tâm logistics và nhiều thủ tục liên quan còn bất cập.

Chính những vướng mắc này mà hiện nay, thành phố cảng Hải Phòng vẫn còn rất xa vời với những mục tiêu, định hướng đề ra khi kỳ vọng là một thành phố logistics mang tầm quốc tế.

Giải pháp nào cho bài toán phát triển logistics Hải Phòng?

Từ thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch VLA đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics Hải Phòng. Trong đó, theo ông, việc quan trọng đầu tiên là cần sớm thành lập Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Hải Phòng theo đúng quy định của Nghị định số 45/NĐ 2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ.

"Việc ra đời của Hiệp hội chắc chắn sẽ thu hút hoạt động của các Doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao năng lực và quy mô của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trở thành những nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL thông qua việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước (vận tải, cảng biển...) với nhau và với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế". - ông Khoa nói.

Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (Ảnh Diễn đàn Doanh nghiệp)

Cùng với đó, để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, Chính phủ cần có những cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng (thời hạn cho thuê đất, việc giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ...). Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan, thủ tục ra vào cảng biển của tàu biển và hàng hóa.

Đồng quan điểm với ông Khoa, PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và PT Logistics Việt Nam cũng cho rằng: “Hải Phòng cần ban hành chính sách khuyến khích hoạt động vận tải đa phương thức trên địa bàn TP Hải Phòng; rà soát các quy hoạch, căn cứ tính pháp lý (quỹ đất) để  xác định vị trí trung tâm logistics; nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của trung tâm logistics; xây dựng chiến lược thực hiện (phân kỳ giai đoạn), nguồn vốn dự toán chi tiết; xây dựng mô hình đầu tư, quản lý trung tâm logistics có hiệu quả. Đồng thời, căn cứ vào nguồn hàng để xác định quy mô và chức năng của trung tâm logistics”.

Bên cạnh nâng cao năng lực và quy mô các doanh nghiệp, mở rộng cơ chế chính sách linh hoạt thì việc liên kết các doanh nghiệp trở thành một chuỗi cung ứng vừa “đông”, vừa “mạnh” cũng là một vấn đề hết sức cần thiết.

PGS. TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã khẳng định rằng: “Làm chung thì mới sống được, còn làm riêng thì sẽ không hiệu quả”.

"Vì vậy, giải pháp ở đây là tại các khu công nghiệp nên dành ra diện tích một vài ha như Khu công nghiệp VSIP để làm kho bãi. Nếu các doanh nghiệp phải thuê kho bãi thì sẽ nâng cao chi phí,  nên nếu tập trung một khu vực tập trung, thì mọi nguyên liệu đưa về đó và sản xuất xong cũng đưa về đó đóng gói, rồi đưa ra cảng, sẽ tốt hơn cho các doanh nghiệp", ông Hiệp nhấn mạnh.

Điều đó cũng đồng nghĩa, khi các danh nghiệp liên kết thì chi phí cho ngành logistics sẽ được giảm thiểu. Vấn đề chi phí cũng sẽ phần nào được giải quyết.

 

Theo Hà Thương/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/phat-trien-logistics-hai-phong-dung-de-mai-la-tiem-nang-20201231000001731.html