Các lệnh hạn chế đi lại tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Kể từ đầu đợt bùng phát đại dịch Covid-19 cho tới nay, các lệnh hạn chế đi lại đã tác động tới sự phát triển kinh tế, cũng như đe dọa việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tại các địa phương đang giãn cách xã hội.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sự tăng trưởng kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, đều có sự tương quan chặt chẽ với cường độ của biện pháp hạn chế đi lại cũng như tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân.

Sự tăng trưởng kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, đều có sự tương quan chặt chẽ với cường độ của biện pháp hạn chế đi lại.
Sự tăng trưởng kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, đều có sự tương quan chặt chẽ với cường độ của biện pháp hạn chế đi lại.

Phân tích gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, thêm mỗi tháng thực hiện biện pháp hạn chế đi lại, sản lượng công nghiệp trung bình có thể giảm gần 10%.

Đại diện của WB phân tích: Trong đợt cách ly xã hội vào năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều giảm đột ngột, và điều đó có thể tái diễn ở thời điểm hiện tại.

Phân tích rõ hơn ở thời điểm hiện tại, đại diện WB cho biết: Kể từ cuối tháng 4/2021, các hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ đều giảm mạnh do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, thậm chí, hạn chế đi lại khiến nhiều dịch vụ phải đóng cửa.

Cụ thể, trong tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8%, đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm tốc từ 4,9%, trong tháng 6 xuống còn 2,2%, so cùng kỳ năm trước. 

Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), một chỉ báo nhanh, giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 6 năm 2021 kể từ tháng 5 năm 2020. Chỉ số PMI của Việt Nam không chỉ giảm đột ngột, mà còn giảm sâu hơn so với mức bình quân của ASEAN, trong khi chỉ số PMI toàn cầu lại đang tăng lên nhờ quá trình phục hồi ở nhiều quốc gia lớn.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương Việt Nam, trong tháng 8/2021, chỉ số sản xuất của nhiều địa phương đã giảm rất mạnh, đa phần nằm ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Cụ thể: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP.HCM giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%;....

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics

Cũng có cùng nhận định về những tác động của việc hạn chế đi lại, PGS.TS Tạ Văn Lợi, đại diện nhóm báo cáo chuỗi cung ứng của trường Đại học Kinh tế - Quốc dân (NEU) cho biết: Từ khi bùng phát Covid 19 lần thứ tư buộc phải dãn cách ở 2 thành phố lớn nhất, đầu tàu kinh tế cả nước, nền kinh tế có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cung ứng và suy giảm kinh tế.

Nền kinh tế có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cung ứng và suy giảm kinh tế.
Nền kinh tế có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cung ứng và suy giảm kinh tế.

Đặc biệt là những vấn đề đứt gãy nguồn lao động do dãn cách, nguồn nguyên vật liệu khi phí tăng cao và tình trạng ngăn cấm di chuyển giữa các khu vực, các địa phương. 

Theo PGS.TS Tạ Văn Lợi, từ 13/6, bùng phát dịch tại TP.HCM, trong vòng 2 tháng, số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, cao hơn tất cả các đợt khác cộng lại.

Trong đó, các lệnh hạn chế đi lại mỗi khu vực và địa phương thực hiện một kiểu dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và nhiều doanh nghiệp không phản ứng kịp khi thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu,… Quan niệm “hàng thiết yếu” mỗi nơi mỗi khác nên gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

“Doanh thu các doanh nghiệp bị giảm sút, các đơn hàng suy giảm và luân chuyển vốn khó khăn, năng lực giảm mạnh khi các khoản chi bất thường do đại dịch tăng lên như chi phí hỗ trợ lương nghỉ dịch, chi phí xét nghiệm, chi phí nhiên liệu do thay đổi cung đường… đều là những tác động của các lệnh hạn chế đi lại”, PGS.TS Tạ Văn Lợi cho biết.

Trên cơ sở đó, chuyên gia này kiến nghị Chính phủ cần phải có tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định, thực thi chiến lược phòng chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các yếu tố vật chất và con người cho phòng chống dịch Covid-19. Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần-logistics một cách thống nhất.

Bên cạnh đó, đại diện NEU đề nghị Chính phủ và các bộ cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường trong mọi tình huống; bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp logistics thông qua xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp này với tất cả các loại hình vận tải.

Đồng thời, đổi mới toàn diện hệ thống dự trữ quốc gia để nâng cao hơn nữa vai trò, sứ mệnh, công cụ dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics trước những biến động khó lường.

“Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics (bao gồm các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics, cụm logistics…) đồng bộ, hiện đại, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam”, PGS.TS Tạ Văn Lợi kiến nghị.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/cac-lenh-han-che-di-lai-tac-dong-the-nao-toi-kinh-te-viet-nam-post154115.html