Lazada đã vi phạm hợp đồng

Đây là lời khẳng định của luật sư Nguyễn Sỹ Anh, Chủ tịch - chuyên gia pháp Công ty Luật L&P khi trả lời câu hỏi của PV về trường hợp khách hàng phản ánh sàn thương mại điện tử Lazada giao hàng không phù hợp với hợp đồng.

Sự việc này đã được chúng tôi phản ánh trong bài viết trước. Theo như chia sẻ bức xúc của anh Lê Bá Dương (Hà Nội), anh đã đặt trên Lazada một chiếc xe đi chợ đa năng thông minh inox xịn loại một nhưng xe chẳng thấy đâu, chỉ nhận được 04 chiếc quần lót. Khi phản ánh với shop bán hàng trên sàn thương mại điện tử này thì nhận được lời giải thích và chỉ dẫn vòng vo rồi “mất hút”. Do chờ đợi nhưng không thấy phía Lazada phản hồi lại, khách hàng đã chia sẻ sự việc này lên mạng xã hội để cảnh báo người tiêu dùng. Và chỉ đến lúc đó, khi thấy danh tiếng của mình bị ảnh hưởng, Lazada mới có động thái tích cực muốn bồi thường về sự “sai sót” trên.

 Lazada đã vi phạm hợp đồng khi giao sai hàng cho khách.

 Lazada đã vi phạm hợp đồng khi giao sai hàng cho khách.

Theo luật sư Anh, trong trường hợp cụ thể này, Lazada đã giao hàng không đúng quy định và họ đã vi phạm Luật Thương mại năm 2005. Cụ thể là vi phạm hợp đồng về điều khoản liên quan tới đối tượng của hợp đồng, đồng thời vi phạm trách nhiệm đối với khách hàng trong quá trình giao dịch thương mại điện tử.

“Lazada đã không tôn trọng khách hàng, cụ thể là shop bán hàng trên sàn thương mại điện tử này, họ đã vi phạm hợp đồng mà hai bên đã ký kết (đặt hàng thành công được coi là hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên). Trách nhiệm cao hơn chính là của Lazada.vn khi không quản lý chặt chẽ những đơn vị bán hàng trên sàn của mình để xảy ra những trường hợp ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng”, luật sư Anh phân tích.

Ngoài ra, vị luật sư này cũng cho rằng, hiện nay có rất nhiều khách hàng gặp phải trường hợp tương tự như nhận hàng kém chất lượng so với cam kết, giao không đúng sản phẩm khách đã đặt mua, giao hàng chậm,… và những sai phạm đó đang xảy ra với tất cả các sàn thương mại điện tử hiện nay.

“Hầu hết khách hàng chỉ nhận được lời xin lỗi và bồi thường là xong. Họ chưa có trách nhiệm triệt để trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý Nhà nước thì cũng chưa đưa ra được những biện pháp để ngăn chặn vấn đề này”, ông Anh chia sẻ.

Sai phạm của Lazada 

Khách hàng đặt một chiếc xe đi chợ đa năng thông minh inox xịn loại một trên Lazada nhưng lại nhận được 04 chiếc quần sịp là hành động vi phạm Luật Thương mại 2005. Trong mục 2 về Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa có quy định cụ thể như sau:

Điều 39. Hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

  1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  2. b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
  3. c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;
  4. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 40. Trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

  1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật này, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;
  2. Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

Cũng theo luật sư Anh, Luật Thương mại năm 2005 cũng có quy định về việc “Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng”. Cụ thể, khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.

 Hình ảnh do khách chụp lại khi nhận được hàng từ Lazada giao đến.

 Hình ảnh do khách chụp lại khi nhận được hàng từ Lazada giao đến.

Như vậy, theo quy định trên, khách hàng đã liên lạc với shop bán hàng trên Lazada.vn để thỏa thuận về biện pháp khắc phục hậu quả nhưng sau một vài ngày trao đổi vòng vo, shop này đã chặn phương thức liên lạc của 2 bên. Mặc dù, Lazada đã chủ động gửi mail xin lỗi về sai sót của mình và hẹn ngày cụ thể để giải quyết, nhưng thay vì sai thì sửa lỗi, sàn thương mại điện tử này lại khiến khách hàng đợi chờ trong... “hy vọng”?

Bảo vệ quyền lợi của khách hàng là một trong những tiêu chí giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. Điều này được ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực khiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhắc tới như sau: “Các doanh nghiệp cần nhận thức bảo vệ quyền lợi của người mua. Điều này, chúng ta cũng chưa được nhận thức đầy đủ về việc người bán có quyền gì, người mua có quyền gì. Bảo vệ khách hàng chính là giữ vững hình ảnh của mình. Khi các doanh nghiệp đã có một thương hiệu mà không biết trân trọng, giữ gìn thì rõ ràng doanh nghiệp đó đang có một cái nhìn thiếu đúng đắn và tự làm mất mình”.

Như vậy, sai phạm của Lazada có đang khiến đơn vị này tự đánh mất hình ảnh của chính mình?

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới