Dù đã “chiến thắng trận đầu” đầy khích lệ trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), song Việt Nam vẫn không hề chủ quan, luôn triển khai các biện pháp phòng, chống mạnh mẽ với tinh thần xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc”.
Thắng trận đầu nhưng không chủ quan, mất cảnh giác
Việc xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) được dỡ bỏ tình trạng cách ly kéo dài suốt 20 ngày qua để chống dịch Covid-19 là dấu ấn nữa trong “chiến thắng trận đầu” quan trọng của nước ta trước dịch bệnh nguy hiểm này. Đây là “tâm dịch” đầu tiên bị cách ly khi có 7 trong tổng số 17 ca nhiễm virus Corona chủng mới (nCoV/SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 của cả nước.
Trong thời gian cách ly 20 ngày, cả xã có khoảng 10.000 nhân khẩu này đã không ghi nhận thêm bất kỳ một ca dương tính Covid-19 nào mới. Điều quan trọng là cả 7 ca nhiễm bệnh ở xã Sơn Lôi đều đã được chữa khỏi hoàn toàn, xuất viện từ nhiều ngày nay.
Tuy chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng mừng trong phòng chống dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), song tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, chùng xuống trong cuộc chiến chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được đánh giá còn nhiều cam go, phức tạp, diễn biến khó lường này. Và cho dù dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiềm chế tại quốc gia khởi phát Trung Quốc, nhưng còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Tốc độ lây lan dịch Covid-19 tại Hàn Quốc - nơi có hàng trăm nghìn người Việt đang sinh sống, lao động và học tập - vẫn rất đáng lo ngại khi cứ mỗi ngày lại có thêm hàng trăm ca bệnh mới. Số liệu chính thức công bố ngày 4-3 cho biết, Hàn Quốc ghi nhận thêm 516 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 5.328 người, trong số đó có 32 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đang báo động tại Italia khi số ca nhiễm mới đã tăng mạnh từ 2.036 trường hợp vào ngày 3-3 lên tới 2.502 trường hợp chỉ sau đó một ngày, ngày 4-3. Điều đáng lo ngại không kém là Italia hiện đã có số trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong một ngày cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc với 27 người chết trong ngày 3-3, nâng tổng số ca Covid-19 tử vong tại đất nước hình chiếc ủng lên 79 người.
Dịch Covid-19 cũng tiếp tục lây lan trên thế giới, đã lan ra 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tính tới ngày 4-3, khiến hơn 93.000 người nhiễm bệnh, 3.202 người tử vong. Cùng với đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khi phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ) ngày 3-3 đã cho biết tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 là 3,4% tính chung trên toàn cầu. Tỷ lệ này cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ 2% mà WHO ước tính trước đó.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 cho tới nay tại Mỹ, quốc gia có nền y học phát triển hàng đầu thế giới, là rất cao khi đã có 9 ca tử vong trong tổng số 128 trường hợp mắc bệnh tính tới ngày 3-3. Trong khi đó, thế giới hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị bệnh Covid-19 và cũng chưa hiểu rõ về cơ chế lây truyền của virus SARS-CoV-2.
Chuẩn bị ứng phó với các tình huống
Chính vì thế, dù “chiến thắng trận đầu”, song Việt Nam không hề chủ quan, buông lỏng mà vẫn tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 với quyết tâm cao độ cùng các biện pháp mạnh mẽ. Trong 3 ngày từ 2 đến 4-3, Ban Chỉ đạo Diễn tập chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 nhằm chuẩn bị ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Nội dung cuộc diễn tập gồm 5 vấn đề huấn luyện, tương đương với 5 cấp độ: Cấp độ 1 (có trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta); cấp độ 2 (dịch Covid-19 có lây nhiễm thứ phát trong nước); cấp độ 3 (dịch Covid-19 lây lan trên 20 người đến 1.000 người mắc); cấp độ 4 (dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 đến 3.000 người mắc); cấp độ 5 (dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc, lây lan vào một số đơn vị quân đội). Chúng ta đã xây dựng 5 kịch bản ứng phó các cấp độ dịch bệnh, chúng ta lường trước những tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không bao giờ xảy ra, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ.
Cuộc diễn tập diễn ra với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho thấy chúng ta vẫn phòng chống dịch quyết liệt như thế nào. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc diễn tập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lúc này chưa thể nói chúng ta đã thành công, nếu coi phòng chống dịch như một cuộc chiến thì chúng ta mới chiến thắng chiến dịch mở màn.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nêu rõ, nếu một tuần nữa không xuất hiện thêm ca nhiễm mới chúng ta mới đến thời hạn có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, từ một tâm dịch ban đầu (Trung Quốc) đã xuất hiện nhiều tâm dịch mới (Hàn Quốc, Italia, Iran…). Do đó, Chúng ta phải chuyển trạng thái từ ngăn chặn sang vừa phải ngăn chặn, vừa giảm lây lan trong cộng đồng. Đồng thời phải lường trước nhiều khả năng biến động tiêu cực để có giải pháp ứng phó thích hợp.