Chiêu trò tinh vi, đánh vào lòng tham
Những năm gần đây, TMĐT phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát thì loại hình kinh doanh này ngày càng được quan tâm sử dụng và trở nên phổ cập.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua TMĐT hay mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái.… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 và Hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng thương mại điện tử, nhất là gần những đợt giảm giá sốc.
Cụ thể, ngay đợt săn sale 11/11 vừa qua, một cửa hàng trên một sàn TMĐT dù chỉ mới mở 2 tuần trước đợt sale nhưng đã cố tình đặt tên gần giống chuỗi siêu thị điện thoại di động lớn trên cả nước. Đáng nói, cửa hàng này đăng bán những mặt hàng điện thoại sang xịn, có giá trị lớn kèm theo voucher giảm giá hàng chục triệu đồng, lợi dụng đợt “săn sale” để đánh vào lòng tham của những người tiêu dùng ngây thơ.
Anh N.S.H (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong những nạn nhân từng bị chiêu trò này lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vào tháng 6 vừa qua, N.S.H đặt mua 1 chiếc Iphone 12 Pro Max trên gian hàng của một sàn TMĐT với giá chỉ hơn 7 triệu đồng sau khi đã áp dụng voucher giảm giá gần 20 triệu của gian hàng. Khi nhận được đơn hàng, anh N.S.H “ngã ngửa” khi chiếc Iphone 12 Pro Max mình săn sale hời lại sử dụng hệ điều hành… Android.
“Sau này nghĩ lại tôi mới thấy mình tham rẻ, chưa kiểm tra kỹ thông tin cửa hàng này mà đã tin tưởng rằng đây là hàng chính hãng, nên đã mua ngay kẻo sợ lỡ voucher hời và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, tôi “đứng hình” khi phát hiện chiếc Iphone của mình là hàng kém chất lượng”, anh N.S.H kể lại.
Được biết, ngay sau đó, anh N.S.H đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại hàng thì không được đồng ý. Còn khi liên hệ với gian hàng thì anh đã bị chặn số, khi kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy nên sàn TMĐT nơi anh đặt mua hàng cũng không thể giải quyết trường hợp này.
Trước đó, anh N.V.T (Vĩnh Long) cũng bị chiếm đoạt thông tin cá nhân, lừa đảo qua mạng khi đặt mua hàng của một gian hàng trên sàn TMĐT vào tháng 10/2020. Sau khi nhận hàng và trả tiền, anh N.V.T phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn thương mại điện tử thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.V.T đã bị tin tặc thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cẩn trọng khi mua hàng trên mạng dịp sale
Bình luận về các trường hợp nói trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người mua không nên chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện giao dịch, cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng, có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các đánh giá về cửa hàng và sản phẩm để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.
Người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Cụ thể, kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường.
Cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nguồn: https://congluan.vn/ma-tran-lua-dao-khach-hang-tren-san-thuong-mai-dien-tu-dip-sale-khung-post166518.html