Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2020. Dù dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nhưng kết quả kinh doanh của Masan vẫn có tăng trưởng đáng kể.
Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất Quý 1/2020 của doanh nghiệp này đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng trưởng 116,1% so với mức 8.160 tỷ đồng vào Quý 1/2019, nhất là ngành thịt và gia vị.
Cụ thể, VinCommerce (VCM) đạt tăng trưởng doanh thu thuần 40% trong Quý 1/2020. Lợi nhuận cải thiện đáng kể với biên EBITDA trong Quý 1/2020 đạt mức (5.1)%, tăng lên so với mức (9.1)% và (10.7)% lần lượt vào Quý 1/2019 và Quý 4/2019.
Masan Consumer Holdings (MCH): Doanh thu thuần tăng trưởng 22,4% và EBITDA tăng trưởng 5,3% vào Quý 1/2020.
Ngành thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife (MML) tiếp tục mở rộng quy mô, đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng vào Quý 1/2020, tăng trưởng 85% so với Quý 4/2019 và đạt EBITDA hòa vốn vào Quý 1/2020.
Masan cho rằng, sự tăng trưởng này đến từ nhiều yếu tố: Doanh số bán hàng tăng trưởng tại các thành phố lớn, tăng trưởng tại 27 siêu thị VinMart (VM) và 1.192 siêu thị mini VinMart+ (VMP) mới mở cửa trong năm 2019.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Mức lỗ của VinCommerce trong Quý 1/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với Quý 1/2019".
Trước nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của dịch bệnh Covid-19, ông Quang cho biết “tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới.COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Với mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới, lãnh đạo Masan cho hay, dự kiến, MCH sẽ đạt tăng trưởng doanh thu thuần hơn 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
Để tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới, đối với ngành hàng Gia vị, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và cải thiện biên lợi nhuận của mảng hạt nêm.
Với ngành hàng Thực phẩm tiện lợi và Thịt chế biến, doanh nghiệp này sẽ tập trung vào chiến lược cao cấp hóa danh mục hiện có, đồng thời chú trọng xây dựng các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh. Ban điều hành dự đoán người tiêu dùng sẽ ngày càng chuyển sang sử dụng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn thay vì ăn tại hàng quán sau dịch COVID-19.
Riêng ngành hàng Đồ uống, Masan sẽ tập trung củng cố danh mục nước tăng lực trên cơ sở các phát kiến mới và sản phẩm đột phá. Còn với các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC), công ty sẽ tích hợp thành công Công ty Cổ phần Bột giặt Net (NETCO), tận dụng hệ thống điểm bán của MCH để đưa thương hiệu và sản phẩm của NETCO đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc. Bước tiếp theo trong nửa cuối năm 2020 là tung ra các sản phẩm tiềm năng khác trong ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.