Chúng ta không thể nói về nền văn minh hiện đại mà không nhắc đến các thành phố,đô thị, là động lực chính cho sự phát triển của xã hội. Những thành phố khác nhau có những đặc điểm về quy mô, dân cư, kinh tế, văn hóa,... khác nhau.
 Để tiện cho việc phân loại và quy hoạch xây dựng, các kiến trúc sư và nhà quản lý đã đặt ra nhiều thuật ngữ để phân loại các thành phố khác nhau, trong số đó có bốn từ hiện nay được sử dụng nhiều là: "Megacity", "Metropolis", "Megalopolis" và "Global City".
 Câu hỏi đặt ra là,giữa những thuật ngữ này có gì khác nhau? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu đúng về 4 cụm từ chuyên ngành này.

Global City

Khung cảnh Luân Đôn nhìn từ trên cao

Khung cảnh Luân Đôn nhìn từ trên cao

Được sử dụng lần đầu tiên trong một văn bản viết năm 1886 ở Anh, cụm từ "Global city" (tạm dịch là "Thành phố toàn cầu") được sử dụng để chỉ những đô thị có tầm quan trọng lớn với nền kinh tế thế giới.

Những thành phố như Luân Đôn (Anh), Tokyo (Nhật), và New York (Mỹ) là những trung tâm, trạm trung chuyển của các hoạt động mua bán hàng hóa - dịch vụ - tài chính quốc tế.

Tuy không có giới hạn về kích thước hay số dân, các"thành phố toàn cầu"vẫn phải có một số nét chung như là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn lớn, có hệ thống cơ sở hạ tầng làm đầu mối cho giao thông quốc tế (bến cảng, sân bay,...), sở hữu nền văn hóa pha trộn bản sắc của nhiều dân tộc khác nhau,...

Metropolis

Theo từ điển Merriam-Webster thì "Metropolis" (tạm dịch là "Đô thị trung tâm") là bất kỳ thành phố nào đạt được sự phát triển từ việc đi lên từ một địa điểm hạt nhân đầu tiên tại một vùng nào đó có dân cư tập trung với mật độ cao.

Những thành phố đầu tiên tại địa phương này sau đó sẽ trở thành trung tâm hoạt động và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của cả khu vực. 

"Metropolis" và "Global city" có nhiều nét tương đồng, và mọi "Global city" cũng được xếp vào nhóm "Metropolis".

Tuy vậy, những đô thị hạng trung của thế giới như Cairo (Ai Cập) và Lagos (Nigeria) dù đủ điều kiện để trở thành "Metropolis" nhưng chất lượng kinh tế - xã hội lại không đạt được tiêu chuẩn của một "Global city".

Megacity

Thuật ngữ "Megacity" (tạm dịch là "Siêu đô thị") được dùng để chỉ các thành phố có số dân và mật độ dân cư vượt một mức nào đó.

Về con số chính xác thì hiện nhiều tổ chức trong ngành kiến trúc và xây dựng đang có bất đồng, do mỗi chủ thể lại đưa ra một con số khác nhau. Mọi người thường ngầm hiểu một "Megacity" phải có số dân vượt 8 triệu người và mật độ dân cư cao hơn 2.000 người/km2.

"Megacity" đầu tiên của thế giới là New York có dân số vượt mức 10 triệu người năm 1936. Sau Thế chiến thứ 2, số "Megacity" bùng nổ với những thành phố như Paris (Pháp), Luân Đôn, và Tokyo.

Tuy vậy, xu hướng đô thị hóa đã thay đổi trong vòng 20 năm trở lại đây, và các chuyên gia đã thống kê rằng có đến 70% trong số 47 "Megacity" là ở Châu Á. 5 thành phố đông dân nhất thế giới là Tokyo, Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Dehli (Ấn Độ), và Seoul (Hàn Quốc).

Megalopolis

Ảnh hệ thống các cụm đô thị ở bờ đông nước Mỹ chụp từ vệ tinh

Ảnh hệ thống các cụm đô thị ở bờ đông nước Mỹ chụp từ vệ tinh

Một hệ thống các thành phố kết nối với nhau theo mô hình vệ tinh được gọi là "Megalopolis". Có khi các cụm đô thị này được xây dựng theo quy hoạch, có khi chúng lại tự nhiên xuất hiện xoay quanh một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phát triển.

Sự phát triển của một thành phố địa phương sẽ có ảnh hưởng lên tất cả các thành viên khác trong "Megalopolis." Có khi cả một vùng địa lý lớn, như khu vực đồng bằng Châu Giang (Trung Quốc) hay trục Jakarta-Bandung (Indonesia), được coi là một Megalopolis.

Theo Reatimes.vn