Nhiều người sẽ cho rằng cánh cửa ô tô thì có gì nguy hiểm và việc mở nó để lên xuống xe thì lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Thế nhưng trên thực tế việc mở cửa ô tô không đúng cách đã để lại những hậu quả hết sức đau lòng.

Mới đây nhất, một vụ việc xảy ra vào sáng ngày 5-5 tại ngã tư BVĐK Hoài Đức, TP Hà Nội. Theo ghi nhận tại hiện trường, lái xe ô tô KIA sau khi đỗ ven đường, mở cửa xe thiếu quan sát đã khiến xe máy đi từ phía sau đâm vào cửa ô tô văng ra, ngay lúc đó xe tải đi tới đâm phải khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ.

Đây là một sự việc hết sức đau lòng từ việc mở cửa xe ô tô không quan sát. Rõ ràng trong quá trình tham gia giao thông hàng ngày, có không ít những vụ việc tương tự liên quan tới việc mở cửa xe ô tô không quan sát, nếu may mắn thì không xảy ra thương vong nhưng cũng khiến những người gặp nạn bị một phen hú vía.

Nhớ lại vụ tai nạn xảy ra cách đây chưa lâu, chị Hoàng Thu Thủy (quận Đống Đa) vẫn chưa hoàn hồn. Chị Thủy kể lại, cách đây vài tháng, trên đường đi xe máy đến cơ quan, bất ngờ người lái xe ô tô mở cửa xe khiến chị đâm phải, ngã văng xuống đường. Vụ tai nạn xảy ra đã làm chị Thủy bị xây xước nhiều chỗ trên cơ thể.

moi nguy tu canh cua o to
Nhiều tai nạn không đáng có đã xảy ra do mở cửa xe không đúng cách.

“Ngay sau đó người lái xe đã đưa tôi đến BV để chăm sóc vết thương và chi trả toàn bộ tiền viện phí nên tôi không làm lớn chuyện. Cũng may lúc đó tôi lái xe với tốc độ chậm, tuyến đường lại không có nhiều phương tiện tham gia giao thông…”, chị Thủy chia sẻ.

Có thể nói những vụ tai nạn tương tự như trường hợp của chị Thủy không phải hiếm gặp. Trên thực tế, đối với những tai nạn ngoài ý muốn, nếu nạn nhân chỉ bị thương tích nhẹ, phương tiện hư hỏng,… thông thường hai bên sẽ thỏa thuận theo hướng người gây tai nạn bồi thường toàn bộ chi phí, thuốc men cho người bị hại. Điều này đã khiến nhiều lái xe xem nhẹ mức độ vi phạm an toàn giao thông từ sự thiếu ý thức của chính họ.

Có không ít lái xe do vội vàng hoặc do thiếu hiểu biết đã thao tác mở cửa sai dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Lỗi thường gặp là sau khi dừng xe, kéo phanh tay, tắt máy, người lái xe dùng tay trái kéo khóa mở cửa, cửa sẽ bung ra nhanh mất kiểm soát. Thao tác mở cửa đúng là tay trái giữ tay nắm cửa, tay phải kéo mở khóa. Tay trái mở hé cánh cửa, quan sát kỹ phía sau khi thấy an toàn mới mở cửa để xuống xe. Phải lưu ý, người ra đến đâu cửa mở ra đến đó chứ không được mở hết cửa cho tiện lợi.

Đối với người sử dụng ô tô, thao tác mở cửa ra vào xe là thao tác rất căn bản và sử dụng thường xuyên, nhưng không phải ai cũng lưu ý thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác. Thực thế cho thấy đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm, mà nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp đều từ hành vi mở cửa bất cẩn của người điều khiển ô tô.

Trong đô thị, phải cho xe dừng, đỗ sát hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét; Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Đồng thời, cần lưu ý về việc cấm dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau; Nơi dừng của xe buýt; Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; Tại nơi phần đường bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; Trong phạm vi an toàn của đường sắt; Che khuất các biển báo hiệu đường bộ.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại điểm đ khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe mở cửa xe không đảm bảo an toàn bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Nếu hành vi gây tai nạn giao thông mà hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc giải quyết, bồi thường thiệt hại do vụ tai nạn gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo phapluatxahoi.vn