Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam sau giai đoạn tăng nóng đã có dấu hiệu chững lại trong tháng 9.
Cụ thể, trong tháng vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 605 nghìn tấn gạo với kim ngạch hơn 377 triệu USD, giảm 34,3% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với tháng 9/2022.
Đáng chú ý, trong tháng vừa qua, Indonesia đã vượt qua Philippines và Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn nhất của ngành gạo Việt Nam, khi quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đã chi tới 101,4 triệu USD để nhập khẩu 166 nghìn tấn gạo từ nước ta, con số này cao gấp 53 lần so với tháng 9/2022. Trong khi, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines và Trung Quốc lần lượt là 62,7 triệu USD và 43,7 triệu USD.
Tính tổng 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 6,4 triệu tấn gạo thu về hơn 3,5 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 551,5 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch đạt 495,8 triệu USD, tăng mạnh 55,2%.
Xếp thứ 3 là Indonesia khi giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 462,6 triệu USD, tăng 1.796% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ và Chile có mức tăng đột biến, lần lượt là 10.608% và 2.291%.
Vừa qua, Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia đã xác nhận với báo giới về việc Indonesia chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung cấp chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo trong thời gian tới.
Tất cả giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các Cơ quan hữu quan Indonesia ban hành, việc nhập khẩu sẽ được thực hiện từ cuối tháng 10.
Để tận dụng tối đa cơ hội này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện hướng dẫn của Bộ Công Thương về xuất khẩu khẩu gạo sang thị trường Indonesia.
Cụ thể, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần theo dõi sát tình hình thị trường và đánh giá cơ hội, rủi ro để xây dựng phương án giao dịch. Việc ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và lợi ích cho nông dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.
Tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới thời gian qua có nhiều biến động liên tục như Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo... El Nino, xâm nhập mặn và hạn hán đang cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất.
Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến sản xuất lúa cả năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn thóc, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu dân, chế biến, làm giống, chăn nuôi thì hoàn toàn đảm bảo việc xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỷ USD.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/mot-quoc-gia-dong-nam-a-tang-nhap-khau-gao-viet-nam-gap-53-lan-81498.html