Nở rộ bán hàng bất động sản online

Khi đại dịch Covid-19 ập đến và diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã nhận ra cần nhanh chóng thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ và số hóa.

Không thể phủ nhận rằng, công nghệ là xương sống ngày nay, kiểm soát các khía cạnh kinh doanh khác nhau từ hệ thống vận hành đến cơ chế tương tác với khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp công nghệ như các ứng dụng hay nền tảng số hóa, hệ sinh thái trực tuyến để đến gần hơn với khách hàng trong bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh.

Các nền tảng công nghệ số đã giúp các công ty tiếp tục giữ vững, thậm chí là gia tăng doanh số bán hàng ngay cả trong bối cảnh căng thẳng vì đại dịch.

Với mảng bất động sản, khách hàng có thể tìm thấy các giao dịch trên trang web của các công ty, các nhóm bán hàng trên Facebook... Nhiều buổi mở bán, giới thiệu sản phẩm đã được tổ chức online thông qua hình thức Livestream.

Angus Liew, Tổng giám đốc Gamuda Land TP.HCM, cho biết: “Số hóa là tương lai của nhân loại, không chỉ cho bất động sản mà còn cho tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác và cả các lĩnh vực trong đời sống của con người. Đó là một xu hướng không thể đảo ngược. Ngày nay, chúng ta có thể thấy mọi người đang nói về AI, công nghiệp 4.0…”.

Anh Hoàng Mạnh Quang, người chuyên tham gia tổ chức các buổi livestream mở bán trên Youtube và Facebook cho biết: "Ngay sau khi các dấu hiệu hồi phục xuất hiện, các đơn đặt hàng tổ chức lễ ra mắt dự án, buổi mở bán online đến liên tục. Hàng loạt công ty gấp rút tổ chức các sự kiện online để kết nối tới khách hàng dường như để bù đắp lại quãng thời gian "ngủ đông" do dịch bệnh. Các sự kiện này thường cũng thu hút được rất nhiều khách tham gia, lên tới cả nghìn người".

Có thể thấy rằng, thay vì các buổi mở bán tập trung đông người như cách mà trước đây các đơn vị bán hàng thường làm, thì việc mở bán online là một giải pháp thay thế hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Và đây cũng là cách được nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn, khi muốn tiếp tục duy trì các hoạt động.

Người tiêu dùng chuộng thanh toán qua mạng

Không chỉ lĩnh vực bất động sản đứng trước sức ép của việc chuyển đổi công nghệ do đại dịch Covid-19, chính người tiêu dùng cũng đã dần hình thành thói quen thanh toán qua các ngân hàng kỹ thuật số.

Một báo cáo gần đây của Visa có tên "Thái độ thanh toán của người tiêu dùng" đã cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng đối với ngân hàng kỹ thuật số và các công nghệ thanh toán mới khác.

Khoảng 77% người tiêu dùng Việt Nam biết đến ngân hàng số, trong khi 31% đang sử dụng loại hình này.

Trong khi đó, mối quan tâm ngày càng tăng đối với các phương thức thanh toán mới nổi (83%). Thanh toán sinh trắc học bằng cách sử dụng quét vân tay, giọng nói, nhận dạng khuôn mặt và quét võng mạc đặc biệt hấp dẫn người tiêu dùng trong nước.

Thẻ không số cũng đang dần gây được sự chú ý với 62% người tiêu dùng hiện đã biết và 77% nói rằng họ sẽ sử dụng chúng.

“Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ tất cả các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên các hạng vé nhỏ”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam và Lào, cho biết.

“Những xu hướng này đã tìm thấy mảnh đất cực kỳ màu mỡ trong nhóm dân số trẻ và dễ thích nghi của Việt Nam, với người tiêu dùng Thế hệ Z thể hiện sự tin tưởng và hào hứng đáng kể đối với các dịch vụ thanh toán và kênh tiêu dùng mới như thương mại xã hội”, bà Dung phân tích.

Công nghệ số sẽ đem lại hơn 74 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam năm 2030

Mới đây, tại Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Google tổ chức, Báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" đã được công bố.

Báo cáo cho biết nếu được tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.

Theo đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm từ 15-35 tuổi trên 98%, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91% và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ. Việc không dành nhiều quan tâm đến tác động của công nghệ số trong các lĩnh vực truyền thống ở Việt Nam như sản xuất, sẽ dẫn đến rủi ro bỏ qua các các tác động chuyển đổi của công nghệ.

Công nghệ số được áp dụng vào các ngành truyền thống có tiềm năng cách mạng hóa cách thức hoạt động của doanh nghiệp, mang đến nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

Và dù rằng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn bước đầu, nhưng một tương lai số hóa cũng đang dần mở ra với nhiều doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (cộng với tác động từ đại dịch Covid-19).

Theo Minh Hà/Đô Thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/mua-bat-dong-san-online-covid-19-dang-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-so-o-viet-nam-20201231000004074.html