Các giải pháp như chỉnh luồng tuyến, xây cầu vượt đã thực hiện và chỉ giải quyết được một số nhu cầu cục bộ, nhưng lại chưa đảm bảo khắc phục được tình trạng ùn tắc hiện nay, nhất là trong thời gian chờ xây dựng xong sân bay Long Thành. Trong khi đó, các giải pháp mở rộng đường trong khu vực quanh sân bay phải giải tỏa nhà dân, chi phí đền bù rất cao.
Tiến sĩ Võ Kim Cương đề xuất giải pháp "mượn đường" hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu theo phương án này, sẽ mở đường song hành với đường Cộng Hòa. Giải pháp thứ 2 là "mượn đường" qua doanh trại Quân khu 7. Đường này sẽ nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại Quân khu 7 nối vào Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng. Nếu khơi được luồng tuyến này sẽ giải tỏa ngay tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn (tuyến đường độc đạo vào sân bay).
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, bản thân ông ủng hộ phương án cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng mở rộng ra cả vùng phía Bắc sân bay tại khu vực hiện nay là sân golf với nhà ga và đường băng bổ sung mới. Nếu làm theo phương án này, có thể phân kỳ đầu tư làm theo các giai đoạn trong vòng từ 5-7 năm cho đến khi giai đoạn 1 sân bay Long Thành hoàn thành.
Ngoài ra, để giải quyết ùn tắc giao thông, sân bay Tân Sơn Nhất cần xây dựng mạng lưới đường trên cao kết hợp làm một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất để khép kín vòng quanh sân bay, thuận lợi cho việc tiếp cận của hành khách từ các tỉnh thành trong thông qua các cửa ngõ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13…
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải phá thế độc đạo của đường Trường Sơn bằng cách mở thêm cửa ra vào sân bay và tạo thêm đường tránh cho các con đường ở phía Bắc sân bay như Phạm Văn Đồng, Quang Trung, Nguyễn Oanh…
Nói về giải pháp mở rộng sân bay, Tiến sĩ Lương Hoài Nam (chuyên gia hàng không) cho rằng, không cần mở thêm đường băng thứ 3 mà tăng giới hạn khai thác 2 đường băng hiện có lên 54-56 chuyến/giờ bằng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ là khả thi. Nhưng mặt khác cần sớm triển khai và đồng bộ dự án ga hàng không lưỡng dụng T3 và các dự án giao thông kết nối với nhà ga này.
Có chung quan điểm, TS Nguyễn Bá Hoàng, Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, để giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông sân bay Tân Sơn Nhất, cần phải xây thêm nhà ga T3 để giảm lượng chờ trong sân bay cũng như làm đường hầm tránh xung đột giữa đường Trường Sơn và cổng ra vào sân gắn với kết nối giao thông công cộng.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận (TEDI) đề xuất phương án đầu tư chung 1 nhà ga T3; trong đó có phần dành riêng cho dân sự và một phần có thể dành cho cả dân sự và quân sự; đồng thời, tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng đất về phía Tây Nam để làm sân đỗ máy bay. Khi đó, sẽ sử dụng các đường chính là đường Phan Thúc Duyện đi một chiều đưa khách khu vực trung tâm thành phố tới nhà ga; đường Hoàng Hoa Thám sẽ tổ chức giao thông 2 chiều, đường Cộng Hòa sẽ tổ chức giao thông 1 chiều.
Theo quy hoạch năm 2020 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ cho 25 triệu lượt khách. Tuy nhiên, năm 2016 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu lượt khách, dự báo năm 2017 là 36 triệu lượt hành khách và năm 2018 có thể cán mốc 40 triệu lượt khách. Hiện nay Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải cả mặt đất lẫn trên. Tuy nhiên phương án mở rộng, nâng cấp sân bay vẫn chưa được “chốt lại”. Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải mới ký hợp đồng thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch mở rộng sân bay để trình Chính phủ. Mặt khác TP.HCM cũng chỉ mới lập nhóm chuyên gia, đề xuất phương án mở rộng; thậm chí cả việc triển khai và hoàn thành một số dự án cầu vượt quanh khu vực cửa ngõ chưa cải thiện rõ nét tình hình giao thông tại đây. |