Tín dụng đen biến tướng
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay. Còn theo Ngân hàng thế giới, có đến 70% người dân Việt Nam chưa được tiếp cận tín dụng chính thức, cho thấy nhu cầu tín dụng của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để “tín dụng đen” hoành hành.
Tại hội thảo về tín dụng đen được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, nếu như trước đây, tội phạm tín dụng đen truyền thống dán quảng cáo cho vay ở cột điện, ở tường thì hiện nay tín dụng đen truyền thống đã kết hợp với công nghệ, biến tướng dưới dạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Sau đó, chúng sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay. Đặc biệt gần đây đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Hơn nữa, qua đấu tranh triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay nặng lãi. Lãi suất cho vay lên đến trên 1.000%/năm.
Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như vậy, nhiều lo ngại cho rằng, tín dụng đen còn nhiều “đất” để phát triển, nhất là trước nhu cầu vay vốn cuối năm đang tăng cao. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã từng nhiều lần cảnh báo người vay về việc mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng, trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay cũng ở mức "cắt cổ".
Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM cho biết, tín dụng đen đã len lỏi vào đoàn viên, công nhân - lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với nhiều hình thức tinh vi và rất đa dạng. Tín dụng đen cũng tập trung vào những người lao động gặp khó khăn đột xuất mà quên đi mức lãi suất. Khi phải trả lãi ngày, lãi tháng, họ không đủ khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi; có những trường hợp không có lối thoát.
Cần tăng khả năng tiếp cận vốn
Từ những vấn đề nêu trên, các chuyên gia đã không ít lần nhấn mạnh, ngành ngân hàng và các công ty tài chính phải tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó là nên cải tiến quy trình, rút gọn thủ tục cho vay. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hình thức, phương thức cho vay; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua các hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội.
Để mở rộng kênh tín dụng chính thức, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, hạn chế tín dụng đen, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, hành vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, trong đó đặt mục tiêu là tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát triển các kênh tín dụng chính thức và các giải pháp tăng cường tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhu cầu phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng.
Tuy nhiên, dù ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhưng hiệu quả vẫn là câu chuyện dài. Chẳng hạn như kết quả triển khai chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 2 công ty tài chính (HD Saison và FECredit) đến nay vẫn còn hạn chế. Theo NHNN, với chương trình tín dụng này, công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin về gói vay ưu đãi cho công nhân, trong khi các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, công đoàn các khu công nghiệp chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay; tình trạng thất nghiệp, mất việc làm tăng cao ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của người lao động.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại, trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, ngân hàng và người đi vay cần thiết lập mối quan hệ tốt với nhau. Ngân hàng, công ty tài chính tạo điều kiện tiếp cận vốn; còn người cần vay phải tăng cường kiến thức về tài chính, trong đó có tài chính tiêu dùng. Khi phát sinh nhu cầu vay thì phải hiểu được các định chế tài chính, tổ chức tài chính phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân để tiếp cận dễ dàng. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên tăng cường giáo dục tài chính cho người dân.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ngan-chan-tin-dung-den-cuoi-nam-20201231000010897.html