Với dư nợ cho vay đến nay đạt 546.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội chấp nhận giảm lợi nhuận để nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt "bão” Covid-19. Cùng với các chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội…, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ đã đến được với nhiều doanh nghiệp.

Khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quý I-2020, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh; số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký ngừng hoạt động tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong thời gian này, số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các gói hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... theo chủ trương của Chính phủ.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng vừa quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Thời gian giảm lãi suất đến hết ngày 30-9. Theo Vietcombank, tổng số khoảng 90.000 khách hàng được giảm lãi suất đợt 2, với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng. Trong đó, với địa bàn Hà Nội, có vài chục nghìn doanh nghiệp cũng như cá nhân được xem xét giảm lãi suất.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho hay, ngân hàng đã cơ cấu nợ, giãn nợ, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất giảm 1,5-2,5%/năm với tổng giá trị lên tới 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng dư nợ được xem xét để ân hạn nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, tái cấp hạn mức để ổn định sản xuất kinh doanh. TPBank đã cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó, riêng địa bàn Hà Nội đã giãn nợ hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của ngân hàng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, công ty gần như không có khoản thu nào bởi các khách đặt tour, khách thuê xe tự lái đều hủy. Vận tải đường dài hay xe buýt cũng vắng khách, sau đó tạm dừng, trong khi công ty vẫn phải duy trì các chi phí vận hành doanh nghiệp, chi phí nhân công cho hơn 1.500 cán bộ, nhân viên. Ước tính trong mấy tháng qua, công ty đã thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của TPBank cơ cấu lại nợ, doanh nghiệp giảm bớt nỗi lo về tài chính.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Paris Gâteaux Việt Nam - một khách hàng của VietinBank cũng cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, yên tâm hoạt động, duy trì chuỗi 30 cửa hàng và bảo đảm việc làm cho gần 500 lao động.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn, hiện tổng dư nợ tín dụng thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của thành phố đạt 546.000 tỷ đồng. Ngoài việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các ngân hàng thương mại, thành phố Hà Nội cũng có nhiều chương trình hỗ trợ người lao động. Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Theo Hà Nội Mới