Được coi là mắt xích quan trọng hàng đầu của ngành du lịch, doanh nghiệp lữ hành đang được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò dẫn dắt, khôi phục thị trường du lịch. Đại dịch Covid-19 đang buộc các doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc chính mình.

Nhìn nhận khó khăn

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài; doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019. Trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại khá nặng nề, bởi đây là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động; không ít đơn vị phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng khối lữ hành cũng đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, khôi phục thị trường. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, ngay khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình kích cầu du lịch, đã có hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đăng ký tham gia. “Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch”, ông Vũ Thế Bình nói.

Nhìn lại hiệu quả một năm thực hiện việc liên minh, liên kết trong việc khôi phục thị trường, Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, dù đạt được những kết quả đáng kể trong việc kích cầu thị trường, song hoạt động liên kết của các đơn vị lữ hành vẫn chủ yếu tập trung ở các đơn vị lữ hành lớn và các hãng hàng không; chương trình kích cầu du lịch diễn ra trong thời gian ngắn, nên chưa tạo được sức hút. Bên cạnh đó, các đơn vị doanh nghiệp và điểm đến chưa có tiếng nói chung, dẫn đến hoạt động kích cầu chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, khó khăn của hoạt động lữ hành trong năm qua, đó là các đơn vị phải thích ứng với việc xuất hiện những hình thức, xu hướng du lịch mới, như: Du lịch gần nhà, du lịch từng phần, nhỏ lẻ thay vì theo tour truyền thống. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải đổi mới hình thức quản lý, kinh doanh để phát triển doanh nghiệp bền vững.

Nâng cao hiệu quả kích cầu bằng liên kết

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên vùng, liên ngành mang tính xã hội hóa cao. Do vậy, liên kết là nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch bởi mỗi địa phương không thể đơn thương độc mã để phát triển, không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng cũng như doanh nghiệp lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…”.

Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - ông Nguyễn Công Hoan khẳng định như vậy tại diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021: “Lữ hành Việt Nam - Giải pháp khôi phục và phát triển” vừa diễn ra ngày 12/1, tại Cát Bà, Hải Phòng.

Chính thức hoạt động được 9 năm, Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò bằng hàng loạt các chương trình kích cầu lớn. Năm 2013, lần đầu tiên người ta chứng kiến cảnh khách hàng xếp hàng dài, chen lấn để săn tour khuyến mại với giá chưa từng có với mức giảm tới 50-60% so với thông thường đến các điểm hot nhất như: Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…

Liên tiếp các năm sau đó, kích cầu mở rộng ra cả về quy mô, điểm đến, không chỉ dừng ở tour trong nước mà còn vươn ra các tour quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh thu, số lượng khách tăng trưởng vượt bậc, nhiều sản phẩm ít ai biết đến nhờ kích cầu đã trở thành một xu thế, điểm đến hấp dẫn là minh chứng rõ nét cho những thành công mà liên minh đã làm được.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng liên minh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Lực lượng nòng cốt tham gia Liên minh tập trung chủ yếu vào các công ty lữ hành và hàng không mà chưa có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan… trong khi họ là đơn vị thụ hưởng nhiều nhất từ kết quả của việc kích cầu.

Bên cạnh đó, thời gian kích cầu ngắn, số dịch vụ theo giá kích cầu hạn chế hoặc kèm theo điều kiện ngặt nghèo; xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như liên minh cạnh tranh với nhau thậm chí cạnh tranh trong chính các đơn vị trong liên minh; có sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên…

“Năm 2021 xác định vẫn là năm khó khăn của ngành du lịch thì vai trò của liên minh, liên kết cần phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Muốn như vậy, theo tôi cần khắc phục triệt để những hạn chế trên bằng các giải pháp cụ thể”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.

Các chuyên gia của ngành du lịch cho rằng hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá là thực sự cần thiết.

Chúng ta cần xác định du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi "miếng bánh" chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần”, ông Hoan nhấn mạnh.

Theo ông Hoan, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí.

Mỗi đơn vị đều giữ những vai trò khác nhau, trong đó công ty lữ hành sẽ là trung tâm của sự liên kết vì hơn ai hết họ là người hiểu tâm lý khách hàng, hiểu thị trường nhất, là trung gian liên kết các nhà cung cấp dịch vụ cũng như chia sẻ quyền lợi giữa các bên liên quan.

“Khoác áo mới” cho doanh nghiệp

Năm 2020, đa số các doanh nghiệp lữ hành giảm quy mô hoạt động, nhiều đơn vị tạm thời dừng hoạt động hoặc đóng cửa và xu hướng này có thể nối sang năm 2021. Trong bối cảnh đó, phương châm “linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” được áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực và tìm giải pháp.

Ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc Công ty Hanoitourist cho rằng, doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững để ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai.

“Nhân lực của các doanh nghiệp sẽ được nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, cả về phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch, marketing, vận hành và quản trị doanh nghiệp du lịch bền vững… Quản trị doanh nghiệp bền vững sẽ giúp cho các doanh nghiệp lữ hành nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, dự đoán và đối phó với rủi ro, thách thức trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp” – ông Phùng Quang Thắng cho biết.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần hướng đến chuyển đổi số. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, các doanh nghiệp du lịch không thể bỏ qua việc chuyển đổi số, đây là yếu tố tiên quyết cho sự khôi phục và tái cấu trúc. Việc này giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí nhân lực, tiếp cận nhanh và khai thác tốt nhóm nhỏ, khách lẻ - nhóm du lịch chính trong giai đoạn tới.

Ông Phùng Quang Thắng nhận định, chuyển đổi số sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị và hệ sinh thái của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp lữ hành giao tiếp hiệu quả hơn với khách du lịch, tạo thuận lợi trong tổ chức hoạt động tiếp thị và nâng cao trải nghiệm của du khách.

Chia sẻ về áp dụng chuyển đổi số vào kinh doanh du lịch, ông Nguyễn Đức Anh - Giám đốc Công ty VPlus cho biết: Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch MICE, tổ chức sự kiện bị ngưng trệ và công ty buộc phải nghiên cứu sản phẩm mới. Nhờ ứng dụng công nghệ, Công ty đã xây dựng nền tảng Vticket để khách hàng dễ dàng đặt dịch vụ du lịch như vận chuyển, điểm đến, cơ sở lưu trú… Ngoài ra, Công ty đã xây dựng mô hình giải chạy trực tuyến cho cộng đồng, kết hợp thể thao với du lịch và xúc tiến điểm đến. Mỗi giải chạy sẽ gắn với một điểm đến du lịch, người tham gia sẽ tự thực hiện chặng đua. Ứng dụng sẽ tự động cập nhật kết quả của người chạy lên hệ thống sau đó đánh giá, xếp hạng và trao giải.

Theo các chuyên gia, để làm được việc đó doanh nghiệp cần tập trung vào 4 giải pháp: phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; chuyển đổi số trong lữ hành; cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch và xúc tiến.

Trước cơn “bão Covid” hoành hành toàn cầu và những hậu quả nặng nề mà nó để lại, những người cầm trịch của ngành nhận ra chỉ có phát triển bền vững mới có thể cứu được du lịch. Và cũng chỉ phát triển theo hướng đó mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng, đòi hỏi ngày càng cao của du khách đồng thời phù hợp với xu thế phát triển du lịch trên thế giới.

Do đó, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ quyết định và buộc họ nếu muốn tồn tại lâu dài cần chuyển mình với công nghệ đổi số phù hợp và hiệu quả. Bởi chuyển đổi sẽ làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị cũng như hệ sinh thái giá trị doanh nghiệp.

Dù dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng tranh thủ lúc này, khi nền du lịch thế giới đang buộc phải chững lại vì Covid-19 cũng chính là cơ hội để Việt Nam kiện toàn và đổi mới lại phương thức quản lý và kinh doanh, để rồi có thể phát triển bền vững trong giai đoạn mới với nhu cầu cao hơn của du khách. Bởi du lịch đã trở thành nhu cầu thiết yếu, lập kế hoạch chuyến đã trở thành niềm vui, niềm hứng thú; đi để biết cái mới, tăng thêm niềm hạnh phúc, cải thiện sức khỏe và năng lượng… của tất cả mọi người.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/du-lich-thoi-dai-dich-covid-19-muon-song-phai-quyet-liet-tai-cau-truc-post113686.html