Du lịch đóng góp một phần không nhỏ vào GDP cả nước và trong thời gian qua, du lịch trong nước đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho toàn ngành. Thời điểm hiện tại, du lịch nội địa là “chìa khóa” làm sống lại ngành du lịch Việt Nam bởi ngay trước khi có COVID-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP nền kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm nên đây là lĩnh vực có thể hỗ trợ cho toàn bộ ngành du lịch nói chung.
Trong bối cảnh ngành du lịch của Việt Nam tiếp tục phát triển, và triển vọng du lịch quốc tế ngày càng trở nên khả thi hơn sau khi các nước triển khai tiêm vắc xin, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và lữ hành sẽ cần phải thích nghi để tồn tại.
Nỗ lực tồn tại trong và sau đại dịch
Du lịch quốc tế, nguồn thu chính của ngành du lịch, đã bị sụt giảm mạnh trong năm vừa qua. Số lượng chuyến bay đã giảm đáng kể, công suất buồng phòng của khách sạn cũng chỉ đạt 30% so với trước đại dịch. Việc du khách nước ngoài không thể đến Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu ngành du lịch và nền kinh tế, bởi nhóm này chi "mạnh tay" hơn hẳn so với du khách trong nước.
Trong khi viễn cảnh phục hồi trở về trạng thái trước COVID-19 có vẻ như còn rất xa vời, thì ngành du lịch có thể dựa vào các hoạt động trong nước để phục hồi trong ngắn hạn. Do tình hình dịch bệnh, phần lớn du khách Việt không thể bay ra nước ngoài, nên họ đã thay thế bằng những chuyến du lịch trong nước. Vì thế các công ty lữ hành cần nhanh chóng nắm bắt để khai thác được giá trị từ cơ hội này.
Công ty Du lịch Vietrantour cho hay, trước khi có đại dịch, tour quốc tế chiếm tới 80% doanh thu của công ty. Vì COVID-19, cũng như các công ty lữ hành khác, công ty buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm một số nhân sự do đặc thù biến động của thị trường và tập trung toàn bộ vào khai thác du lịch nội địa.
Chưa lúc nào, các tour trong nước đa dạng như trong năm qua, với nhiều mức giá, thời gian và hướng đến các đối tượng khách hàng. Hàng loạt các liên minh kích cầu du lịch được hình thành trong cả nước với các sản phẩm dịch vụ có mức giá ngày càng hấp dẫn và chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao hơn.
Xu hướng du lịch tại chỗ (stay cation) phát triển mạnh mẽ trong nước. Nhiều khách sạn tìm cách vực dậy hoạt động bằng những gói giảm giá sâu, nhắm tới đối tượng khách nội địa trải nghiệm kỳ nghỉ tại chỗ. Xu hướng stay cation giúp du khách nội địa có cơ hội tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần tại các khách sạn uy tín với giá giảm gần 50% so với trước COVID-19 mà chất lượng không đổi, đặc biệt trong nhóm khách sạn lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long…
Tại hội thảo “Hỗ trợ quá trình phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam”, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, với tỷ trọng 85% khách du lịch nội địa, du lịch trong nước trở thành điểm tựa của thị trường thời gian tới. Đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng yêu thích xu hướng du lịch trải nghiệm. Các mô hình sản phẩm như nghỉ dưỡng nội đô (staycation), khách sạn chú trọng thiết kế, resort chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B (ẩm thực), vui chơi giải trí độc đáo sẽ có cơ hội nở rộ trong thời gian tới.
Nhờ việc chuyển hướng kịp thời, hoạt động du lịch trong nước đã được khởi động trở lại, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, nhìn về tương lai
Song song với việc chuyển hướng lấy thị trường nội địa làm mũi nhọn để vực dậy ngành du lịch, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt việc chuyển đổi số. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, đại dịch COVID-19 là một “cú huých” mạnh mẽ để tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, phải nhanh chóng triển khai chuyển số để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.
Nắm được xu hướng này, cả ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc tăng cường ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức hoạt động và phát triển sản phẩm mới. Hầu hết công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour… đều áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới, quảng bá tour, giao dịch với khách hàng thông qua các ứng dụng.
Không chỉ có các công ty lữ hành áp dụng công nghệ, các điểm đến du lịch trên khắp đất nước cũng ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, quảng bá du lịch. Có thể kể đến Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng, Dinh Độc Lập, Bưu điện TP.HCM, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Hang Múa, vườn chim Thung Nham (Ninh Bình)... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến, triển khai tour thực tế ảo.
Cùng với các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch đã đưa vào sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để góp phần triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2. Cùng với đó, Tổng cục Du lịch và các sở du lịch địa phương cũng triển khai các hoạt động trực tuyến, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, kết nối liên thông với các Bộ, ngành liên quan và từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, bất chấp những tê liệt trong hoạt động vì “bão COVID-19”, Việt Nam đã và đang theo đuổi kế hoạch “không ca nhiễm” kể từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành. Chiến lược này được áp dụng tại những nơi có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, và do đó mức độ tin tưởng để đi lại sẽ cao hơn, ít nhất là ở trong nước.
Nhờ áp dụng chính sách “không ca nhiễm”, cùng với nền kinh tế trong nước hiện đang ổn định và các biện pháp chủ động, quyết liệt của Chính phủ, đến năm 2024 ngành du lịch Việt Nam sẽ có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng. Theo kịch bản này, các công ty lữ hành Việt Nam đang chuẩn bị cho sự phục hồi trên cơ sở những niềm tin sau:
Trước hết là thay đổi thói quen du lịch có thể tạo ra các chuyến du lịch hạng sang ở trong nước. Cùng với việc biên giới vẫn đóng cửa và du khách không thể ra nước ngoài, ngành du lịch có thể phát sinh ngày càng nhiều những chuyến đi xa hoa trong nước do du khách chuyển hướng chi tiêu. Dĩ nhiên, sức mua của du khách trong nước vẫn thấp hơn du khách quốc tế, nên hình thức này sẽ không thể bù đắp hoàn toàn cho khoảng trống mà du khách nước ngoài để lại.
Thứ hai là giảm giá để kích cầu, nhưng đó không phải là biện pháp dài hạn. Nhiều công ty lữ hành đã tung ra chiến dịch giảm giá ngay sau khi cơn khủng hoảng qua đi, vừa để cạnh tranh và cũng để kích thích nhu cầu trong người dân. Nhưng biện pháp này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “pha loãng” giá, đặc biệt là đối với hệ thống khách sạn trên cả nước. Do đó, đây không phải là chiến lược bền vững về lâu dài.
Tiếp theo, các doanh nghiệp cần cẩn trọng khi nghiên cứu phương án xây dựng hành lang du lịch (bong bóng du lịch). Hiện tại, Việt Nam vẫn đang áp dụng quy định nghiêm ngặt về hạn chế đi lại, chỉ cho phép một số lượng nhỏ các chuyến bay quốc tế đưa chuyên gia và cán bộ ngoại giao đến Việt Nam, và những đối tượng này phải tuân thủ quy định về cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.
Việt Nam cần nỗ lực đưa số ca nhiễm COVID-19 về gần như bằng 0, và không nên mạo hiểm mở cửa biên giới cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng, khả năng này sẽ chủ yếu dựa vào việc tiêm vắc xin trên diện rộng. Do vậy sẽ mất một thời gian để du khách nước ngoài quay trở lại với quy mô lớn.
Trong lúc đó, ngành du lịch vẫn có cơ hội thực hiện một số biện pháp ít rủi ro hơn. Đơn cử, đã có nhiều cuộc bàn thảo về việc xây dựng các “bong bóng du lịch”, cho phép người dân đi lại giữa các nước có số ca nhiễm thấp hoặc gần như bằng 0 như Australia, Trung Quốc, Singapore. Các công ty lữ hành cần chuẩn bị cho hai kịch bản: bong bóng du lịch giúp mở cửa đón du khách nước ngoài đến Việt Nam, hoặc du lịch trong nước vẫn là nguồn động lực chính cho toàn ngành.
Nguồn: https://congly.vn/nganh-du-lich-truoc-bao-covid-19-co-hoi-de-phat-trien-ben-vung-189328.html