Văn hóa và rượu bia

Các loại bia rượu hiện nay đã trở thành thành thức uống rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam. Bàn về văn hóa uống rượu bia của người Việt, Tiến sĩ Vũ Thế Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng bia rượu đã trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trong đời sống.

"Bia rượu là sản phẩm đồng hành với lịch sử nhân loại. Nó là một giá trị trong đời sống vật chất cũng như văn hóa của nhân loại. Đời này qua đời khác, loài người đã liên tục sử dụng các loại bia rượu, thực phẩm lên men có cồn và ngày càng phát minh ra nhiều dạng đồ uống có cồn khác nhau", Tiến sĩ Vũ Thế Long nói.

Theo TS Vũ Thế Long, người Việt Nam chúng ta lấy lúa gạo làm lương thực chính cùng với các ngũ cốc như ngô, khoai, sắn, kê.., cùng với đó là rất nhiều hoa quả là những vật liệu có thể dễ dàng cho lên men tạo ra nhiều loại rượu khác nhau.

Đặc biệt, Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng, rượu và uống rượu cũng là văn hóa của người Việt đã có từ rất lâu đời. Trong nhiều nghi thức truyền thống của 54 dân tộc ở Việt Nam như lễ hội, cưới xin, cúng giỗ, ma chay... thì rượu là một thứ đồ uống, đồ cúng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết, ở Việt Nam hiện lưu hành đủ các loại rượu trên thế giới. Người ta có thể mua đủ các loại bia rượu nội cũng như bia rượu ngoại.

"Các loại rượu tự nấu hiện đang rất phổ biến được người dân nấu ở khắp nơi từ nông thôn đến thành thị. Từ miền xuôi đến miền ngược. Nấu rượu ở nước ta hiện nay không bị cấm như ngày xưa, người ta nấu rượu để uống trong gia đình, để bán cho những ai có nhu cầu", Tiến sĩ Long nói.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng ở Việt Nam hiện nay uống rượu thuốc cũng khá phổ biến. Rượu có độ cồn cao dược ngâm với nhiều loại thảo dược hay các loại thuốc có nguồn gốc động vật khác nhau.

Có thể kể ra một số loại rượu thuốc ngâm thực vật phổ biến như rượu sâm, rượu hà thủ ô, rượu ba kích, rượu đinh lăng, rượu mơ, rượu táo mèo,…hay rượu ngâm các loại động vật như cao hổ cốt, cao bạch mã, bìm bịp, rượu tắc kè...

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, những thứ rượu thuốc này ngoài mặt tích cực mà đông y khuyến khích, có một số kiểu uống không an toàn, có khả năng gây ngộ độc bởi hầu như các loại rượu thuốc này là tự chế và không bị kiểm soát chặt chẽ của ngành y tế.

Không nên quá lạm dụng

Là người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử văn hóa, Tiến sĩ Vũ Thế Long cho biết từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, thấy rượu cồn và thuốc phiện là hai mặt hàng có thể thu lợi lớn nên bất kể độc hại, thực dân pháp đã có chính sách đầu độc dân ta bằng rượu cồn để thu lời.

Chúng cấm dân ta nấu rượu và độc quyền bán rượu. Bắt được ai nấu rượu lậu thì bỏ tù mọt gông. Một số công ty rượu nhà nước cũng đặt các lò rượu tư nhân nấu rồi đem về tiếp tục chế biến và đóng mác rượu nhà nước bán ra thị trường.

Trong thời nước nhà tạm bị chia cắt làm hai miền thì ở miền Bắc, việc nấu rượu dân gian bị quản lí chặt chẽ và xuất hiện hai loại rượu . Một loại rượu do quốc doanh sản xuất và bán phân phối được gọi là rượu quốc doanh do nhà máy rượu của nhà nước bán.

Thời kì này nấu rượu ở nông thôn miền Bắc là bất hợp pháp vì người ta cho rằng vi phạm chính sách lương thực. Tuy vậy, vẫn có nhiều kẻ lén lút nấu rượu lậu rồi bí mật tuôn ra bán chui bán lủi khắp nơi.

"Thời ấy người ta gọi thứ rượu này là rượu "cuốc lủi" hay "quốc lủi" với hai nghĩa những kẻ buôn rượu phải trốn chui trốn lủi để tránh nhân viên quản lí thị trường như những con cuốc chui lủi trong ruộng lúa. "Quốc lủi" cũng có nghĩa là nó khác với quốc doanh, một thứ rượu nhà nước độc quyền sản xuất", Tiến sĩ Vũ Thế Long chia sẻ.

Từ sau thời đổi mới về kinh tế, việc sản xuất bia rượu trong cả nước đã không ngừng tăng trong cả khu vực tư nhân cũng như kinh tế quốc doanh.

"Hiện nay, uống bia rượu đã thành mốt sống ở cả nông thôn lẫn thành thị. Tiệc tùng là bia rượu. Gặp gỡ là bia rượu. Vui cũng bia rượu, buồn cũng rượu bia. Nhiều tệ nạn, tai nạn cũng từ bia rượu mà ra", ông Long nhận định.

Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng, lạm dụng bia rượu đã trở thành một nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Đặc biệt là những người say rượu không làm chủ được bản thân và gây ra những tai nạn giao thông thảm khốc, đánh đập vợ con tàn nhẫn hoạc đâm chém người vô cớ...

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Long, bia rượu là những thứ đồ uống đã, đang và sẽ tồn tại trong đời sống của nhân loại. Nó vừa là sản phẩm kinh tế vừa là sản phẩm văn hóa. Sản xuất bia rượu là một trong những ngành kinh tế quan trọng giúp cho kinh tế đất nước phát triển bền vững, đem lại nhiều giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và ẩm thực, du lịch…

Đặc biệt, Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng nhiều loại rượu bia truyền thống có giá trị cần phải bảo tồn và gin giữ như những "quốc tửu" và có chính sách bảo hộ cho các nghệ nhân dân gian trong việc gìn giữ không để mai một.

"Văn hóa uống bia rượu trong ngày lễ tết là cần thiết nhưng cũng đừng quá lạm dụng. Vấn đề bây giờ là làm sao chúng ta gìn giữ được tinh hoa rượu Việt nhưng cũng phải kiểm soát, ngăn ngừa được tình trạng sử dụng rượu bia bừa bãi, không có kiểm soát", Tiến sĩ Vũ Thế Long nói.

Theo Gia đình Việt Nam

Nguồn: https://giadinhvietnam.com/ngay-xuan-ban-ve-lich-su-van-hoa-uong-bia-ruou-cua-nguoi-viet-d165618.html