Theo các chuyên gia, sự đa dạng văn hóa là tất yếu và là niềm tự hào, vẻ đẹp của đô thị hiện đại. Khi nhắc về hồn cốt của một thành phố, người ta thường hồi tưởng lại quá khứ của nó.

Kiến trúc phải là nơi gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử của nó. Thực tế, các thủ đô lớn như Athen, Roma, Paris, Bắc Kinh… đều cố gắng giữ gìn những mảng tường, con đường, góc phố vốn đã làm nên bản sắc của thành phố. Nhưng không ít đô thị hiện đại đã vội vã loại bỏ đi di sản trong quá trình phát triển. Trong cơn lốc đô thị hóa, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước. Tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn diễn ra tràn lan, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, làm mất đi vẻ truyền thống của kiến trúc dân tộc. Câu trả lời cho câu hỏi "bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì" vẫn còn rất mơ hồ.

Nhiều khu phố mới hiện nay được ví như “trăm hoa đua nở” với kiểu kiến trúc không giống ai: Nhà cao, nhà thấp, thụt vào, nhô ra... không tuân thủ một quy luật kiến trúc nào.

Theo các chuyên gia, việc phát huy bản sắc kiến trúc cần phù hợp và mang tính đại diện cho vùng, miền, tỉnh thành, dân tộc, tránh phát huy bản sắc kiến trúc một cách tràn lan, dễ gây nên sự nhàm chán, hạn chế tính sáng tạo của các kiến trúc sư; khuyến khích các kiến trúc sư khai thác một số thành tố tạo nên bản sắc kiến trúc vùng, miền, dân tộc… trong các công trình kiến trúc hiện đại. Trong đó, sự “hoài cổ” cũng là một điểm nhấn quan trọng. Bởi khi không “hoài cổ” nữa có nghĩa là đã quên đi bản sắc văn hoá của dân tộc, quên đi lịch sử của dân tộc và quên đi chính mình./.
Bản sắc văn hóa trong kiến trúc không phải là bất biến, mà có chọn lọc, có đồng hành. (Ảnh minh họa)

"Đôi khi tôi thấy Hà Nội giông giống Bangkok, lại giông giống Kuala Lumpur, rồi lại giông giống Quảng Châu...", KTS. Hoàng Thúc Hào từng chia sẻ cảm nhận khi dạo qua các con phố mới của Hà Nội.

Những lời cảnh báo về tình trạng xây dựng lộn xộn, tùy tiện, phá vỡ cảnh quan kiến trúc vẫn được gợi nhắc mỗi ngày nhưng chưa biết đến bao giờ các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội mới có thể tìm thấy hình hài kiến trúc được soi chiếu bởi bản sắc của mình.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với thực trạng phát triển hiện nay, một hình thái của đô thị vừa tôn trọng cấu trúc tự nhiên cũ của Hà Nội vừa kế thừa kiến trúc Pháp chưa được phát huy. Thay vào đó là nhà ống, nhà chia lô lổn nhổn, những chung cư hình hộp rập khuôn liên tiếp trồi lên, "ngoạm" đi những khoảng xanh, những không gian sinh hoạt cộng đồng đã đi vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ...

Trước thực trạng xây dựng thiếu chuẩn chỉ khiến lớp vỏ kiến trúc đô thị trở nên lôm côm, việc xác định bản sắc trong kiến trúc đô thị đã trở thành một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Sau nhiều năm soạn thảo, Luật Kiến trúc đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Trong đó, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của giới kiến trúc là việc kiến trúc phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc.

Cụ thể, bản sắc văn hóa dân tộc phải bao gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục; kỹ thuật và vật liệu xây dựng, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

Bên cạnh đó, kiến trúc phải phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, luôn bảo tồn, kế thừa các giá trị truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới; ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phù hợp với thực tiễn đất nước, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Sự ra đời của Luật Kiến trúc với những quy định trên đã mở ra một bước ngoặt mới trong việc tạo ra hình hài kiến trúc đô thị của Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả của nó còn chờ đợi nhiều ở vấn đề thực thi. Hành trình tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam vẫn cần một thời gian dài.

Theo KTS. Lê Vũ Cường, bản sắc có nghĩa là duy nhất và khác biệt. Kiến trúc là một sản phẩm của con người, địa điểm và văn hóa; nó là một khía cạnh của bản sắc. Bản sắc kiến trúc có thể liên quan đến việc hiện thực hóa bản sắc cá nhân và xã hội. Kiến trúc, như các tạo tác vật lý rõ ràng nhất của bất kỳ nền văn hóa nào, có nhiều đặc điểm đáp ứng với sự độc đáo của địa điểm.

“Hai yếu tố theo tôi là quan trọng đối với bản sắc kiến trúc trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đó là bản sắc văn hóa và tính bền vững trong kiến trúc”, KTS. Lê Vũ Cường nhấn mạnh.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đánh giá, kiến trúc là một lĩnh vực đặc biệt, việc phát huy bản sắc văn hóa trong kiến trúc không hề dễ dàng. Một tác phẩm kiến trúc không phải mang tính định lượng, rất khó để so sánh với bất kỳ thứ gì khác. Nó là định tính, là nghệ thuật vị nhân sinh.

Theo vị chuyên gia, bản sắc văn hóa trong kiến trúc không phải là bất biến, mà có chọn lọc, có đồng hành. Người làm kiến trúc, đặc biệt là thiết kế không thể ngồi trong phòng điều hòa, máy lạnh ở Thủ đô mà có thể vẽ, thiết kế nhà ở Tây Nguyên, ở vùng rừng núi Tây Bắc… mà phải đến tận nơi, sống và tìm hiểu bản sắc văn hóa của vùng, miền đó trước khi bắt tay vào vẽ. Từ đó mới có thể cho ra đời những tác phẩm kiến trúc thể hiện nét văn hóa bản sắc của dân tộc.

“Nói nôm na, mỗi địa phương đều có một đặc điểm riêng, vì thế, người làm thiết kế, quản lý kiến trúc phải nắm rõ, am hiểu phong tục tập quán vùng, miền để áp dụng thực tế vào quá trình sáng tạo. Đó mới gọi là thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm kiến trúc. Thí dụ, chùa chiền ở nơi nào cũng có, chùa nào mái cũng cong nhưng chùa miền Bắc khác chùa miền Nam. Do đó, không thể áp đặt lối suy nghĩ cứng nhắc vào một lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo cao như kiến trúc”, KTS. Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, việc phát huy bản sắc kiến trúc cần phù hợp và mang tính đại diện cho vùng, miền, tỉnh thành, dân tộc, tránh phát huy bản sắc kiến trúc một cách tràn lan, dễ gây nên sự nhàm chán, hạn chế tính sáng tạo của các kiến trúc sư; khuyến khích các kiến trúc sư khai thác một số thành tố tạo nên bản sắc kiến trúc vùng, miền, dân tộc… trong các công trình kiến trúc hiện đại. Trong đó, sự “hoài cổ” cũng là một điểm nhấn quan trọng. Bởi khi không “hoài cổ” nữa có nghĩa là đã quên đi bản sắc văn hoá của dân tộc, quên đi lịch sử của dân tộc và quên đi chính mình./.

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/di-tim-ban-sac-van-hoa-trong-kien-truc-do-thi-viet-nam-20201224000000983.html