Đánh giá chung về thị trường nhà ở tại các khu vực trung tâm của tỉnh Nghệ An, như: TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò,… có thể thấy rõ, phân khúc nhà ở giá rẻ, bình dân dành cho người lao động có thu nhập thấp đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể.
Nhiều chuyên gia bất động sản trên địa bàn cho rằng, sở dĩ như vậy là bởi tại những khu vực này, phân khúc căn hộ cao cấp, các sản phẩm bất động sản phục vụ du lịch chiếm phần đông, áp đảo so với các phân khúc còn lại. Thêm vào đó, mặc dù thị trường bất động sản ở Nghệ An có phần chững lại trong thời gian qua, thế nhưng, mức giá lại không hề giảm, vẫn đang ở mức cao. Điều này khiến cho thị trường ít đi phân khúc nhà ở giá rẻ để phục vụ nhu cầu của đông đảo người công nhân, lao động có thu nhập thấp.
Đặc biệt, là tỉnh nằm trong Top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước, Nghệ An đang vươn mình mạnh mẽ khi có nhiều dự án lớn đang được đầu tư, triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Có thể kể đến như: Khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Hoàng Mai II,… kéo theo số lượng lớn công nhân, người lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc và sinh sống; đồng nghĩa với việc nhu cầu về nhà ở giá rẻ sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân trong những năm tới đây. Mặc dù nắm rõ thực trạng đó, tuy nhiên, để giải bài toán về nhu cầu nhà ở giá rẻ dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp là điều không hề dễ dàng.
Ghi nhận từ thực tế, phóng viên Reatimes nhận thấy, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, như: Khu công nghiệp VSIP, Bắc Vinh (TP. Vinh), Nam Cấm (huyện Nghi Lộc), Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai)… số lượng công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội là rất nhiều.
Đơn cử như: Tại Khu Kinh tế Đông Nam, hiện có trên 29.000 công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp thuộc khu kinh tế. Tuy nhiên, ngoại trừ số ít nhà ở cho cán bộ chuyên gia và người lao động của Lux-share ICT tại Khu công nghiệp VSIP, còn rất nhiều lao động trong và ngoài tỉnh về các Khu công nghiệp Bắc Vinh, VSIP, Nam Cấm, Industrial Nghệ An 1… làm việc nhưng không có nhà ở.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Tâm (32 tuổi, công nhân của một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cho biết: "Với giá đất trên thị trường hiện nay, hai vợ chồng tôi đều làm công nhân với mức lương khá thấp thì xác định sẽ không bao giờ có thể mua được nhà để "an cư". Chúng tôi mong muốn rằng, thời gian tới, chính quyền địa phương cũng như công ty sẽ có những chính sách ưu đãi, xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp để vợ chồng tôi có thể tiếp cận được".
Anh Nguyễn Văn Thao, (35 tuổi, ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu), hiện đang làm việc cho một nhà máy trên địa bàn TP. Vinh cũng tâm sự rằng: "Sau nhiều năm tích góp, vay mượn thêm gia đình, anh có khoảng 1 tỷ đồng trong tay, dự định tìm mua một căn nhà giá rẻ ở khu vực thành phố hoặc vùng lân cận để an tâm sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, anh vẫn không tìm được một căn nào phù hợp với số tiền ấy".
Trên thực tế, không chỉ riêng gia đình chị Tâm hay anh Thao mà còn rất nhiều người không thể mua nổi nhà tại TP. Vinh và các huyện, thị xã lân cận vì giá quá cao. Nhất là trong vài năm trở lại đây, mặt bằng giá nhà liền thổ, căn hộ ở những khu vực này không ngừng tăng lên.
Điển hình trên địa bàn TP. Vinh hiện nay, trung bình một căn hộ chung cư ở được có giá trên dưới 20 triệu/m2, diện tích 80 - 100m2, có giá dao động từ 1,6 - 2 tỷ đồng/căn hộ. Với mức giá như vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình hay chính sách ưu đãi thì người công nhân, lao động có thu nhập thấp không có khả năng mua được.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Ba, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản tỉnh Nghệ An nhận định: Không chỉ trong năm 2023 mà một thời gian dài nữa, nguồn cung nhà ở giá rẻ ở TP. Vinh hay tại các huyện, thị xã lân cận vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu dành cho người lao động có thu nhập vừa và thấp. "Hi vọng rằng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có những chính sách ưu đãi cụ thể để giúp người công nhân, lao động dễ dàng tiếp cận và mua được nhà ở xã hội", ông Ba chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nghệ An mới chỉ có 1.965 căn nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng ổn định và đáp ứng được gần 40% số lượng công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội. Qua đó, có thể thấy rằng, nguồn cung nhà giá rẻ hiện nay mới chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ, tuy nhiên vẫn có rất ít các dự án nhà giá rẻ được triển khai thời gian qua./.
Nghệ An sẽ xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội
Mới đây nhất, nhằm hưởng ứng chương trình mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân của Chính phủ giai đoạn 2023 - 2030, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An đang rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà trên địa bàn, trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp.
Theo đó, dự kiến từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó chủ yếu tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn TP. Vinh và các huyện phụ cận.
Để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, ngoài các chính sách của Chính phủ, tỉnh đang xem xét bố trí quy hoạch để dành quỹ đất mời gọi các tập đoàn doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Bên cạnh đó cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân xây nhà ở tập thể, nhà công vụ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Được biết, trong số 15.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân, có 4 dự án mới được thông qua và đang còn hiệu lực là 8.200 căn nhà, bao gồm 4 công ty lớn là: Công ty Cổ phần Điện mặt trời miền Trung MK và Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế BMC tại xã Nghi Long và xã Nghi Thuận (huyện Nghi Lộc); 1 dự án của Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Thi tại địa bàn xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) và 1 dự án của Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam đang làm thủ tục đầu tư.
Nguồn: https://reatimes.vn/nghe-an-nguoi-lao-dong-thu-nhap-thap-mon-moi-tim-noxh-20201224000017708.html