Cụ thể, chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người. Đến năm 2030, phấn đấu tăng mức nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85 - 90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75 - 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Đối với việc phát triển nhà ở thương mại khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện môi trường, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng. Phát triển đa dạng loại hình sản phẩm nhà ở cho thuê, cho thuê mua để bán. Tăng tỷ trọng nhà ở thương mại có diện tích trung bình và giá cả hợp lý.

Đối với việc phát triển nhà ở xã hội sẽ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn cung kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phải chủ trì đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng, phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nhà ở và tình hình thực tế; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển nhà ở; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho từng nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở... 

Nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản
Nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản

Với Bộ Tài chính, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.

Để thực hiện Chiến lược trên, Chính phủ nêu lên một loạt giải pháp từ hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất đến giải pháp về thuế, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư… Nêu giải pháp về thuế, sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế liên quan đến phát triển nhà ở xã hội như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo pháp luật về thuế và pháp luật về nhà ở.

Bộ Tư pháp có nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích, tránh chồng chéo với các pháp luật khác có liên quan nhằm phát triển nhà ở theo các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Quyết định này; thực hiện việc kiểm soát các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình mục tiêu, đề án, dự án hỗ trợ phát triển nhà ở quy định tại Quyết định này sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Theo Chiến lược, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28 m2 sàn/người.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.

HoREA đề xuất với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chống đầu cơ đất đai.

Đồng thời, HoREA cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành "thuế bất động sản" đánh trên giá trị nhà và đất. Hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có "đất ở", với thuế suất đối với "đất ở" trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế gần như không đáng kể.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nghien-cuu-de-xuat-bo-sung-mot-so-loai-thue-lien-quan-20201231000004843.html