Phố bích họa Phùng Hưng được trang trí và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn mùa Trung thu 2019. Ảnh: Lê Bảo

Không khí Trung thu rộn rã khắp Thủ đô

Từ vài ngày qua, tại nhiều địa điểm ở Hà Nội đã được Ban quản lý phố cổ chính thức khai hội mùa Trung thu với nhiều hoạt động diễn ra đặc sắc, hấp dẫn và nhận được nhiều lời khen ngợi từ người dân cũng như các nhà chuyên môn. Phải kể đến những địa điểm Hà Nội dành cho mùa Trung thu năm nay như tại phố bích họa Phùng Hưng, Đình Kim Ngân 42 – 44 Hàng Bạc, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Trung Tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ. Đặc biệt tại không gian đi bộ của phố cổ Hà Nội như đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), Đền Hương Tượng (64 Mã Mây), Ngã 5 Đông Thái - Mã Mây - Hàng Buồm - Đào Duy Từ còn có biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại phục vụ thiếu nhi vào tối ngày 13/9.

Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, các hoạt động đón Tết Trung thu tại khu phố cổ Hà Nội diễn ra từ ngày 6 đến 13/9. Các hoạt động mang đậm màu sắc truyền thống với mục đích giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ, góp phần phát huy và gìn giữ nhiều di sản của dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Tại không gian văn hóa Phố bích họa Phùng Hưng sẽ có nhiều gian hàng giới thiệu về đồ chơi Trung thu truyền thống. Các nghệ nhân, thợ thủ công sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách cách làm đồ chơi như: Đèn kéo quân (nghệ nhân xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội); tàu thủy bằng sắt tây (thợ thủ công phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)... Cũng tại nơi đây còn diễn ra các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi...

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn trống Đọi Tam, hát trống quân và các tiết mục văn nghệ dân gian; làng Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) biểu diễn rối cạn... Trong tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội sẽ có các chương trình biểu diễn ca nhạc phục vụ thiếu nhi. Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội và tại đình Kim Ngân đều có các hoạt động hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian. Tại Ngôi nhà di sản giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội và bộ ảnh Trung thu phố cổ đầu thế kỷ 20 của Trung tâm thông tin khoa học xã hội - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Riêng Bảo tàng Dân tộc học phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai mang đến cho các em nhỏ chương trình Trung thu mang tên "Sắc màu văn hóa Gia Lai" trong ngày 7 và 8/9.

Nhiều hoạt động ý nghĩa hút người dân

Tuyến phố Hàng Mã rực sắc màu thu hút hàng vạn người dân kéo đến.

Với chủ đề "Trống hội trăng thu" nhằm tái hiện những hình ảnh, âm thanh tươi mới, rộn rã của Tết Trung thu truyền thống đã được Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Thăng Long tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long với nhiều chương trình, hoạt động bổ ích, hấp dẫn. Đến đây, các em được hòa mình vào không gian trưng bày Trung thu đặc sắc với trống hội, đồ chơi truyền thống; trải nghiệm làm bánh Trung thu; xem biểu diễn múa lân, xem hát trống quân thật độc đáo. "Vào dịp Trung thu, mọi người cùng ngắm trăng, vui chơi, rước đèn, phá cỗ trong tiếng trống rộn ràng của múa lân, múa sư tử; đối đáp giao lưu qua những màn hát trống quân", ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội nói.

Phố Hàng Mã được xem là một trong những địa điểm được người dân Thủ đô quan tâm nhất mỗi khi mùa Trung thu về. Tại đây, tuyến phố được TP Hà Nội tạo điều kiện, quan tâm cho người dân kinh doanh, mua bán cũng như du khách kéo đến mua sắm, vui chơi, chụp ảnh. Những hình ảnh ngợp sắc màu của đèn lồng, mặt nạ, trống bỏi, đầu lân… khiến bất cứ ai cũng không khỏi trầm trồ. Chính vì vậy, đây cũng là địa điểm luôn khiến người dân kéo đến đông nghịt mỗi mùa Trung thu về.

Đang dẫn theo con gái hòa mình vào dòng người tại phố Phùng Hưng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm chiếc đèn lồng cũng như tham gia nhiều hoạt động thiết thực, chị Hoài Thương vui mừng cho biết: "Gia đình tôi đưa con lên phố cổ vui chơi từ chiều đến đêm để con có cơ hội tham gia vào những hoạt động, trò chơi truyền thống mang đậm hơi thở của Trung thu, từ đó giúp con gái có được sự trải nghiệm thực thụ và hiểu hơn về ý nghĩa của Tết Trung thu và các trò chơi, đồ chơi truyền thống".

Trong khi đó, rất nhiều gia đình trẻ cũng tranh thủ đưa con em mình có mặt tại tuyến phố Hàng Mã để mua sắm đồ chơi, cũng như tìm hiểu ý nghĩa của từng món đồ chơi truyền thống. Nói về điều này, anh Thành trú tại Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm – Hà Nội) cho rằng: "Tranh thủ dịp cuối tuần tôi cũng cho hai đứa trẻ có mặt tại phố Hàng Mã để hòa nhịp cùng không khí mùa Trung thu và thực tế khi đặt chân đến đây bọn trẻ rất thích thú. Đặc biệt, khi được chúng tôi mua cho những món quà ý nghĩa là mặt nạ giấy và đèn lồng thì lại càng vui hơn. Ngoài mua sắm đồ chơi, chúng tôi cũng đã đưa các cháu đến phố bích họa Phùng Hưng để thưởng thức những trò chơi truyền thống, chụp ảnh làm kỷ niệm".

Từ nhiều năm nay, dường như Tết Trung thu không còn dành riêng cho trẻ nhỏ mà đó còn là dịp để giới trẻ, thậm chí người lớn tuổi sống lại ký ức xưa. Chính vì vậy, trong những ngày vừa qua ở nhiều địa điểm trên không ít người lớn cũng đã hòa mình vào các hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa với hi vọng sẽ được hưởng một mùa Trung thu ấm áp. Nói về điều này, Thanh Hương (sinh viên Trường ĐH Thương mại) vui vẻ cho biết: "Chắc chắn mỗi người đều có những ký ức đẹp đẽ về những mùa Trung thu xưa cũ, dù ở thành phố hay miền quê thì đêm trông trăng phá cỗ đều trở nên ấm áp. Chính vì vậy, dù bản thân đã trưởng thành nhưng tôi vẫn luôn mong muốn được hưởng không khí khi mỗi mùa Trung thu về".

Theo Gia đình & Xã hội