Thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên toàn cầu đang ngày càng thay đổi. Với việc phát triển và phổ biến của các thiết bị di động thông minh, người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm sản phẩm, phiếu giảm giá và cũng mua sắm nhiều hơn những sản phẩm, dịch vụ trên mạng từ bất kỳ cửa hàng nào và từ bất cứ đâu trên thế giới.
Thiết bị di động không chỉ làm thay đổi thói quen của người dùng mà còn có tác động mạnh mẽ tới ngành tài chính ngân hàng, đồng thời, tạo ra nhiều cách thức để chúng ta tiết kiệm và thanh toán hơn bao giờ hết.
Con số thống kê của Nielsen cho hay, những thiết bị này cũng đang cung cấp giải pháp tài chính cho khoảng 2 tỷ người không sử dụng dịch vụ ngân hàng trên toàn cầu.
Cuộc cách mạng trong ngành tài chính ngân hàng dự báo có khả năng trở thành nguồn động lực chính thúc đẩy người tiêu dùng tăng chi tiêu trong một vài năm tới.
“Các thiết bị di động không chỉ mang những khách hàng mới cho nền kinh tế kết nối hiện đại, mà những thiết bị này còn cho phép người tiêu dùng điều chỉnh những trải nghiệm của chính bản thân mình, vì các sản phẩm và dịch vụ có thể sẽ được điều chỉnh để thích hợp hơn với hành vi, nhu cầu và sở thích của mỗi người tiêu dùng." - Ông Đoàn Duy Khoa, Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng, Chuyên ngành Ngân hàng Tài chính, Nielsen Việt Nam chia sẻ.
"Tuy nhiên, để thúc đẩy người tiêu dùng thích nghi và sử dụng các dịch vụ mua sắm trực tuyến thì các doanh nghiệp cần phải thấu hiểu về hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng như thói quen giao dịch của họ trong thế giới công nghệ số, để từ những hiểu biết đó, các doanh nghiệp có thể tạo ra được những chiến lược phù hợp với những thói quen và sở thích của người tiêu dùng.”, ông Khoa nhấn mạnh.
Tại Khảo sát về Mua sắm, sử dụng các dịch vụ ngân hàng và giao dịch trực tuyến bằng thiết bị di động được thực hiện bởi Nielsen với sự tham gia của hơn 30.000 đáp viên trực tuyến về việc thiết bị di động ảnh hưởng như thế nào ba lãnh vực tuy khác biệt nhưng lại có kết nối với nhau: mua sắm, dịch vụ ngân hàng và các giao dịch thanh toán đã chỉ ra một vài con số ấn tượng.
Theo đó, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao nhất toàn cầu.
Phân nửa người tiêu dùng ở Trung Quốc (50%), và gần một nửa người dùng ở Ấn Độ (49%), Hàn Quốc (47%) và Việt Nam (46%) cho biết họ mua một sản phẩm hoặc dịch vụ bằng thiết bị di động trong 6 tháng qua.
Truy cập thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn hoặc đặt vé xem phim/vé máy bay/phòng khách sạn là những hoạt động giao dịch thông qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên thiết bị di động phổ biến tại khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam.
42% người Việt cho biết trong 6 tháng qua họ có sử dụng thiết bị di động để kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng hoặc xem các giao dịch họ đã thực hiện trong thời gian gần nhất; 35% nói họ sử dụng thiết bị di động để đặt vé xem phim/vé máy bay/phòng khách sạn, 33% sử dụng để thanh toán hóa đơn trực tuyến và 31% sử dụng để thực hiện các giao dịch chuyển khoản ngân hàng.
“Ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng điện thoại của họ như là một công cụ giúp họ mua sắm, và những hoạt động mà người dùng thao tác trên điện thoại cũng vô cùng đa dạng.", ông Khoa nói.
Bên cạnh đó, ông Khoa cũng nhận định thêm rằng một trải nghiệm không tốt trên thiết bị di động có thể sẽ tác động xấu đến tỷ lệ mua hàng của người tiêu dùng và cũng sẽ có thể khiến họ chuyển sang sử dụng dịch vụ tại cửa hàng, trang web hoặc ứng dụng khác của các đối thủ cạnh tranh.
Các nhà bán lẻ đang phát triển các sản phẩm trên thiết bị di động nên lưu ý đến bốn nhu cầu cơ bản của người mua hàng: Sử dụng dễ dàng, tính tiện lợi, nhiều sự lựa chọn và giá trị tốt.
Điều này có nghĩa là những giải pháp mà doanh nghiệp cung cấp phải thỏa mãn được mục đích mua sắm đa dạng của người mua hàng và cung cấp những sản phẩm thực sự có giá trị xứng đáng với giá thành.