Từ sau cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2009, câu chuyện người mua nhà khó có khả năng chi trả cho sản phẩm nhà ở đã trở thành một vấn đề toàn cầu, một phần trong số đó là bởi những quy định mới trong cho vay đã cắt giảm đáng kể hoạt động cho vay mua nhà. Những người trẻ chính là những đối tượng vay chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi vấn đề này.
Tại các thị trường phát triển, xu hướng này ngày càng trở nên rõ ràng. Tại Australia, số lượng người trong độ tuổi 25 - 34 chỉ chiếm 45% tổng số người sở hữu nhà (tỷ lệ này đã từng là 58% vào năm 1986). Ở Mỹ, tỷ lệ này là 31% cho những người dưới 35 tuổi, suy giảm so với số liệu của năm 1995 là 39%. Trong khi đó, bộ phận khách hàng dưới 35 tuổi chỉ nắm giữ 5% tổng giá trị nhà được sở hữu tại Anh Quốc và hiện đang phải trả mức giá thuê nhà cao gấp 4, 5 lần so với lãi suất cho vay thế chấp.
Những người trẻ với tiềm lực tài chính hạn chế đang càng lúc càng gặp khó khăn trong việc mua nhà để ở trong bối cảnh họ cần có nguồn lực tài chính lớn hơn giúp đáp ứng giá nhà cao hơn và đặt cọc nhiều hơn. Thế hệ trẻ hiện đang hoãn lại những việc trọng đại như kết hôn, sinh con, và một trong những yêu cầu cần có để mua nhà hiện nay chính là có 2 người kiếm thu nhập.
Đặc biệt, trong suốt một năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính cá nhân của những người trẻ tuổi. Một nghiên cứu cho thấy, tại Australia, Trung Quốc người trẻ trong độ tuổi 25 - 34 chỉ chiếm 45% tổng số người sở hữu nhà (tỷ lệ này đã từng là 58% vào năm 1986). Đây là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ người trẻ mua được nhà đang giảm xuống khá nhiều.
Tại Việt Nam, số người trẻ dưới 30 tuổi chiếm số lượng lớn. Trong đó, có tới 58,3% người tham gia khảo sát hiện đã mua được nhà riêng, 33,3% đang ở nhà thuê còn lại đang ở cùng gia đình. Khi đề cập đến khó khăn trong việc mua nhà, đa số đều là yếu tố về tài chính do thu nhập thấp không đủ (chiếm 45,5%). Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại việc vay vốn ngân hàng sợ không đủ khả năng chi trả (chiếm 27,3%).
Tuy vậy, nếu phân tích sâu hơn thì tỷ lệ này là kết quả của việc thế hệ trẻ được thừa kế bất động sản nhà ở từ thế hệ trước hoặc được hỗ trợ đáng kế khi mua nhà. Nếu không có sự giúp đỡ này, việc sở hữu nhà ở đối với những khách hàng dưới 35 tuổi là khá khó khăn.
Có một thực tế là thu nhập của khách hàng trẻ chưa thể đáp ứng được với giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Giá một căn hộ chung cư trung bình 2 phòng ngủ tại Hà Nội vào khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng, trong khi mức bình quân thu nhập hàng tháng trung bình của người trẻ còn chưa cao. Sự hỗ trợ của gia đình hiện đang góp phần đáng kể của trong tiềm lực tài chính của người mua nhà trẻ tại Việt Nam.
Một phương án cho người trẻ tại các khu vực khác trên thế giới là phân khúc cho thuê tư nhân. Khoảng 1/3 dân số tại các quốc gia nói tiếng Anh hiện đang đi thuê nhà. Tại các thị trường có người sử dụng đồng thời là chủ sở hữu bất động sản, giá thuê ở mức rất cao (ở Đức là 50%). Tại các quốc gia này, quyền sở hữu nhà ở cũng dần tập trung vào những khách hàng lớn tuổi.
Viện Đô thị Mỹ đưa ra thống kê, cho thấy, giới trẻ Mỹ đang có xu hướng thuê nhà tại các thành phố đắt đỏ. Những người từ 18 - 34 tuổi đang phải trả tới 30% tiền lương chỉ để trang trải tiền thuê nhà. Đặc biệt, phần lớn những người thuộc thế hệ trẻ có trình độ học vấn cao hơn đã chọn sống ở các thành phố lớn nơi có giá nhà vô cùng đắt đỏ.
Tất nhiên, đối với những người có trình độ cao thì việc tìm kiếm những thành phố lớn để phát triển sự nghiệp và sinh sống là điều dễ hiểu.
Thử thách về mặt chính sách cho thị trường các nước phát triển là làm thế nào để giải quyết vấn đề thế hệ đi thuê nhà không thể mua nhà ở trừ phi họ được hỗ trợ từ thế hệ đi trước?
Theo đó, Chính phủ một số nước sẽ tập trung tới việc trước mắt làm thế nào để cung cấp bất động sản cho thuê ổn định và an toàn cho những người có nhu cầu thuê nhà. Đồng thời trong dài hạn, Chính phủ sẽ tạo điều kiện họ trở thành chủ sở hữu những bất động sản mới.
Câu chuyện mua nhà của khách hàng trẻ là vấn đề nổi cộm tại các nền kinh tế phát triển, trong đó có Việt Nam. Khi tiềm lực tài chính của những người mua nhà lần đầu còn hạn chế và giá nhà không còn vừa túi tiền thì giải pháp chính là hạn chế giá nhà ở tăng cao. Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới được kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập của người dân, dần thu hẹp khoảng cách giữa giá nhà ở và thu nhập của khách hàng. Cùng với đó, các chính sách về nhà ở đang dần cải thiện để gia tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền sẽ phần nào tăng thêm cơ hội sở hữu cho người trẻ./.
Nguồn: https://reatimes.vn/nguoi-tre-khong-co-su-giup-do-cua-gia-dinh-se-kho-mua-nha-20201224000004411.html