Hơn 90% người lao động trở lại làm việc
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, tính chung tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 94% so với thời điểm trước Tết.
Tại quận 12, trong ngày đầu tiên sau Tết (7/2) đã có khoảng 99.600 trên tổng số 123.900 lao động (khoảng 81%) trở lại làm việc. Tại quận Bình Tân, tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở các doanh nghiệp đạt gần 90%.
Tại tỉnh Bình Dương, đa số các doanh nghiệp trong cụm và khu công nghiệp đã hoạt động trở lại từ 7/2. Tại các doanh nghiệp đã hoạt động, khoảng 80% công nhân đã đến nhà máy. Tỷ lệ lao động tham gia sản xuất ngày đầu năm mới cao hơn các năm trước. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần có 112 doanh nghiệp tổ chức công đoàn thông báo có làm việc trong Tết, với 12.460 lao động tham gia.
Nguyên nhân tỷ lệ lao động trở lại ngày đầu năm tại Bình Dương khá cao so với mọi năm là do số lượng lao động ở lại không về quê dịp Tết đông. Trong dịp Tết Nguyên Đán có khoảng 500.000 lao động ngoại tỉnh tại Bình Dương không về quê ăn Tết. Số còn lại về các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung thì sau một tuần nghỉ Tết, trong hai ngày 5-6/2 cũng đã có hàng trăm ngàn người lao động các tỉnh, thành đang tấp nập trở lại Bình Dương để chuẩn bị vào nhà máy làm việc.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỉnh Bình Dương và tổ chức công đoàn có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho công nhân khó khăn để người lao động gắn bó với các doanh nghiệp tại địa phương. Các doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến chính sách đối với người lao động để giữ chân, cùng gắn bó và phát triển với người lao động.
Nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút lao động
Theo ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, người lao động quay trở lại làm việc đạt tỉ lệ cao là tín hiệu tốt và đạt được điều này là do các công ty, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, chăm sóc tốt để thu hút người lao động.
"Chúng tôi đang ráo riết tìm nhà trọ, hợp đồng sẵn với nhà trọ để người lao động ứng tuyển vào công ty sẽ có chỗ ở ngay. Thay vì để công nhân tự tìm chỗ ở, chúng tôi chủ động tìm những nơi ở trọ tốt cho họ. Vừa qua chúng tôi đã hợp đồng với một chủ trọ rất có tâm để thuê gần 70 phòng, chuẩn bị sẵn cho người lao động" - ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn Công ty Samho Việt Nam (huyện Củ Chi) nói.
Ông An cho biết dù công ty cũng trải qua một giai đoạn dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng tăng lương định kỳ 5% cho tất cả người lao động, đồng thời tăng tiền hỗ trợ nhà trọ từ 100.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, công ty có chính sách nếu người lao động mới gắn bó 3 - 7 tháng đầu thì sẽ được thưởng tối đa khoảng 3 triệu đồng.
Không chỉ đón người lao động cũ trở lại, nhiều doanh nghiệp tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) cũng tranh thủ tuyển thêm lao động mới ngay từ ngày làm việc đầu năm.
Trước Tết Nguyên đán, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, ngân sách Nhà nước dành tổng cộng 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động (lao động chính thức), đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Gói hỗ trợ trên được ban hành đúng lúc, kịp thời sẽ tạo thêm động lực cho lao động trở lại làm việc.
Nguồn cung dồi dào hơn so với mọi năm
Đánh giá tình hình lao động trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thông thường hàng năm trước Tết sẽ thiếu khoảng 10% lực lượng lao động và sau Tết sẽ thiếu khoảng 20%, nhưng năm nay thì sự thiếu hụt sẽ thấp hơn so với thông thường.
Lý giải nguyên nhân ít thiếu hụt hơn so với mọi năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng do đã nghỉ việc một thời gian dài vì dịch bệnh nên rất nhiều lao động khi đã trở lại làm việc sẽ không về quê dịp Tết mà ở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn. Vì thế lực lượng lao động năm nay ổn định, dồi dào hơn so với mọi năm.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các doanh nghiệp, khu công nghiệp năm nay đều có nhiều phương án giữ chân người lao động như nâng lương, thưởng Tết… Các địa phương cũng chủ động thực hiện các biện pháp phục hồi thị trường lao động.
“Theo báo cáo của các tập đoàn lớn, tổng công ty, doanh nghiệp FDI dự báo thì lực lượng lao động sau Tết năm nay chỉ thiếu 10-15% và sẽ thấp hơn so với mọi năm,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định tình hình sản xuất vẫn đang trong quá trình phục hồi, có những doanh nghiệp phục hồi 100%, có doanh nghiệp 90%, nhưng có doanh nghiệp chỉ 60%. Tùy theo tình hình thực tiễn và yêu cầu phục hồi sản xuất của doanh nghiệp mà đặt ra những nhu vầu về lao động khác nhau. Về cơ bản, mức phục hồi bình quân chung đã đạt 85%.
"Với mức phục hồi 85% thì không thiếu trầm trọng lực lượng lao động. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nhiều là lực lượng lao động chất lượng cao," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nguon-cung-lao-dong-van-on-dinh-sau-tet-nguyen-dan-63985.html