Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.
Mua lại bằng mọi giá
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny - phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, cho rằng để vừa bán được giá phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa giữ được thương hiệu quốc gia là thách thức rất lớn cho VN.
Đặc biệt khi việc đấu thầu mua bán định giá được tổ chức trên sân chơi quốc tế. Bởi vốn các nhà đầu tư ngoại không thiếu mà thị trường bia - rượu - nước giải khát của VN lại cực kỳ hấp dẫn với mức tăng trưởng luôn ở 2 con số trong những năm vừa qua.
Nhưng không phải đợi đến lúc này, từ cách đây 2 năm, công ty chuyên đồ uống lớn của Thái là ThaiBev cũng đã đánh tiếng mua lại Sabeco với mức giá 2 tỉ USD nhưng không thành công.
Kế đó, đầu năm 2015, hãng bia này tiếp tục đưa ra giá giao dịch mới là 1 tỉ USD để nắm giữ 40% cổ phần của Sabeco (định giá Sabeco lên 2,5 tỉ USD - PV), và đề nghị này cũng bất thành.
Nhiều chuyên gia mua bán sáp nhập nhận định, sự quyết tâm của ThaiBev xuất phát từ sự hấp dẫn của thị trường bia VN mà ai cũng rõ.
Tính trung bình mỗi ngày, người Việt tiêu thụ 10 triệu lít bia. ThaiBev qua một công ty con cũng đang nắm 11% cổ phần của Vinamilk. Điều đó cho thấy nếu có cơ hội, “đại gia” này sẽ bằng mọi giá để mua lại Sabeco, Vinamilk.
Nhiều thương hiệu Việt bị “nuốt chửng”
Thực tế trong lịch sử, đã có nhiều thương hiệu Việt bị “nuốt chửng” bởi các nhà đầu tư ngoại. Trên thị trường bia, Huda Beer là một ví dụ đau thương.
Thương hiệu này từng làm mưa làm gió tại thị trường miền Trung và nam Trung bộ đã phải ngậm ngùi rời chủ sở hữu là UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, về với Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch).
Ngoài Huda Beer, Carlsberg là nhà đầu tư nắm giữ cổ phần lớn tại nhiều nhà máy bia trong nước: Hạ Long, Habeco, Halida…
Năm 2014, hãng bia đến từ Đan Mạch này đã đầu tư mua toàn bộ nhà máy bia Bà Rịa-Vũng Tàu của Habeco (trước đó là liên doanh) và đến cuối tháng 8 vừa qua, Carlsberg đã bán nhà máy bia tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho Heineken VN.
Lịch sử thương hiệu Việt cũng đã chứng kiến các cuộc thôn tính kinh điển như P/S, thời hoàng kim chiếm tới 60% thị phần cả nước rơi vào tay Unilever; Dạ Lan từng chiếm đến gần 70% thị phần cả nước, riêng từ Đà Nẵng trở vào, thị phần của hãng chiếm tới 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường VN, cuối cùng cũng bị Colgate - Palmolive “nuốt chửng”.
Trước khi bị Uni-President VN (công ty mẹ ở Đài Loan) thâu tóm, Tribeco đã hoạt động được 20 năm, là một trong những thương hiệu nước giải khát mạnh nhất VN.
Nhưng thương hiệu này giờ đây đã chính thức về tay Uni-President và biến mất.Cách thức các nhà đầu tư ngoại tiến đến nắm giữ các thương hiệu bia nội kể trên na ná nhau.
Ban đầu là liên doanh, thua lỗ triền miên, nhà đầu tư ngoại tăng phần sở hữu và cuối cùng là thâu tóm hoàn toàn.
"Trước khi đưa ra bán công khai cần có phương án thống nhất. Có thể công ty VN không phải là người trả giá cao nhất nhưng có thể giúp cho doanh nghiệp phát triển tốt nhất và giữ thương hiệu quốc gia" - TS Nguyễn Tuấn Quỳnh, chuyên gia về đầu tư. |
Ưu tiên nhà đầu tư nội
Trước chủ trương tổ chức thoái vốn bằng đấu thầu quốc tế, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính nhận định chủ trương này chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các thương hiệu Việt trong tương lai.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhận định: “Nếu đưa ra đấu thầu quốc tế, chắc chắn doanh nghiệp (DN) nội địa khó có trường vốn tốt, dồi dào để thắng thầu các nhà đầu tư ngoại. Đó là thực tế.
Giả sử chúng ta đưa ra điều kiện DN nào thắng thầu phải giữ thương hiệu đó trong thời hạn nào đó cũng rất khó. Bởi khi quyền quyết định của một thương hiệu được xác định bằng tỷ lệ vốn sở hữu, rất khó để đưa ra những điều kiện A, B khi đã tổ chức đấu thầu quốc tế công khai.
Nếu cứ bán vô tư, chúng ta chẳng còn thương hiệu tầm quốc gia lớn mạnh nào nữa. Như vậy, sức sống của nền kinh tế lại phụ thuộc hoàn toàn vào DN ngoại. Điều này không thể được”.
Đã từng tư vấn chiến lược cho nhiều thương vụ mua bán sáp nhập quốc tế, ông Robert Trần cho rằng nếu Thủ tướng đã đặt mục đích phải giữ được thương hiệu quốc gia thì Chính phủ nên có chính sách cơ chế rõ ràng cho các nhà đầu tư nội.
Cơ chế này không phải là ưu đãi tiền bạc, giá cổ phần mà chính là cơ hội để tham gia vào cuộc chơi này ở tâm thế người làm chủ và được chính sách hậu thuẫn như cách chúng ta từng hậu thuẫn mời gọi ưu đãi đầu tư nước ngoài lâu nay.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, phân tích để vừa bán được giá cao lại giữ được thương hiệu là điều rất khó bởi từ lâu Sabeco, Vinamilk, Habeco… được định là những “con gà đẻ trứng vàng”.
“Nền kinh tế VN hiện nay phần lớn dựa vào ngoại lực. Như vậy rất nguy hiểm. Nhà nước dành cơ chế bình đẳng cho mọi thành phần DN là đúng nhưng trong bối cảnh hiện nay nếu DN trong nước muốn tham gia vào cổ phần hóa thì nên ưu tiên cho họ”, ông Long nói.
TS Nguyễn Tuấn Quỳnh, chuyên gia về đầu tư, phân tích thoái vốn có thể dẫn tới thay đổi về nhân sự, chiến lược kinh doanh của công ty.
Những người điều hành công ty sẽ hiểu được, ai là cổ đông có thể tạo ra giá trị gia tăng cho DN. Thế nên, Chính phủ nên bàn bạc, trao đổi với từng DN để phân tích xem cổ đông nào phù hợp, trước khi ra quyết định về cách bán.
“Nếu Chính phủ VN muốn xây dựng một cơ chế bán đặc biệt, trước khi đưa ra bán công khai cần có phương án thống nhất. Có thể công ty VN không phải là người trả giá cao nhất nhưng có thể giúp cho DN phát triển tốt nhất và giữ thương hiệu quốc gia.
Vấn đề này cần phải xác định rõ ràng để chọn lựa một cách tốt nhất”, ông Quỳnh đề xuất.Ông Robert Trần cảnh báo việc các nhà đầu tư ngoại quyết liệt với các “con gà đẻ trứng vàng” không nên nhìn nhận ở góc độ thị trường, thị phần mà cả khối tài sản bất động sản lớn từ các DN này.
“Nên nhớ, giá trị thương hiệu là vô hình nhưng bất động sản là hữu hình. Điều này cũng là lưu ý khi định giá và xây dựng cơ chế “hậu thuẫn” DN nội”, ông Robert Trần nhấn mạnh.
TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, đề nghị phải có phương án điều tiết bằng cách ưu tiên cho DN trong nước. Thực tế nhiều DN trong nước có đủ tiềm lực để tham gia vào những lĩnh vực quan trọng này khi nhà nước thoái vốn và VN nên kiềm chế các DN nước ngoài tiếp cận sâu vào các thương hiệu nói trên. |