Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2018 đã có 198 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, với quy mô xây dựng hơn 81.700 căn, tương đương khoảng 4.085.000m2. Hiện tại có 226 dự án đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, tương đương khoảng 9.110.000m2.

Tới năm 2020, khu vực đô thị có khoảng 3,4 triệu công nhân và người lao động khó khăn cần ổn định chỗ ở... Do đó, một trong những mục tiêu chính của chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 là xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch. Mục tiêu 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội được đánh giá là khó về đến đích.

Nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Ảnh: Cao Thắng.

Nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. 

Doanh nghiệp không mặn mà

Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội đang được hưởng hàng loạt cơ chế ưu đãi, hỗ trợ; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê. Bên cạnh đó, được dành tới 20% tổng diện tích đất xây dựng trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại; được giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng.

Tuy vậy, hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội bởi những ưu đãi thường đi kèm với thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Các dự án nhà ở xã hội giá rẻ vẫn phải đảm bảo về hạ tầng, tiện ích như nhà trẻ, bể bơi, khu vui chơi, trường học. Nếu không đầu tư tiện ích sẽ khó thu hút người dân, còn nếu đầu tư đầy đủ tiện ích sẽ là một thách thức lớn cho doanh nghiệp, bởi lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp khi xây nhà ở xã hội không được vượt quá 10%.

Đây được đánh giá là một mức lợi nhuận "mong manh", rất dễ trở thành phi lợi nhuận. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, trong nền kinh tế thị trường, việc kinh doanh phải rất linh hoạt, đặc biệt là chính sách về giá. Nhưng nhà ở xã hội lại bị khống chế ngay từ đầu, lợi nhuận thấp dẫn đến loại hình này không thể hấp dẫn nhà đầu tư như nhà ở thương mại.

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay trung hạn để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 là 19.000 tỷ đồng, song đến nay mới chỉ cấp cho Ngân hàng Xã hội 1.200 tỷ đồng. Trong khi các ngân hàng thương mại vẫn chưa được cấp vốn hỗ trợ khiến nhiều dự án dậm chân tại chỗ.

Do vậy, hiện chỉ có những doanh nghiệp khởi nghiệp, hoặc những doanh nghiệp làm vì trách nhiệm xã hội mới có sự đầu tư lâu dài cho phân khúc này.

Người dân than khó

Theo dự báo của Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), đến năm 2020, nhu cầu về nguồn vốn vay để mua nhà ở xã hội cần khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ mới bố trí được khoảng trên 2.300 tỷ đồng cho nhu cầu này, do vậy, chính sách về vốn vay mua nhà ở xã hội được đánh giá là đang gặp khó khăn.

Nhiều người dân cho hay, hiện còn nhiều thủ tục phức tạp khiến việc được xét duyệt mua nhà ở xã hội vẫn còn là một chặng đường gian nan. Đó là chưa kể, nhiều hộ dân rất khó khăn mới tiếp xúc được gói mua nhà ở xã hội, sau đó phải chuẩn bị, xác minh hàng loạt giấy tờ mới làm được thủ tục vay vốn mua nhà. Nhưng sau đó lại không thế chấp được nhà để vay tiền với lý do nhà đã bị chủ đầu tư thế chấp để triển khai dự án.

Điều này cũng dẫn đến một thực trạng, nhà ở xã hội chưa thực sự đến với đúng đối tượng, người thu nhập thấp thực tế vẫn rất khó tiếp cận và có ít thông tin về các dự án.

Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí thêm 2.000 tỷ đồng để vay ưu đãi cho loại hình nhà ở xã hội. Việc kêu gọi nguồn vốn từ phía các doanh nghiệp đầu tư cũng được coi là giải pháp quan trọng để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội.

Theo các chuyên gia, phân khúc nhà ở xã hội khó có thể phát triển nếu không có một chiến lược dài hơi với nguồn tài chính mạnh và nhất là sự tham gia tích cực từ phía chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, ngoài việc tăng nguồn cung để ổn định giá bán nhà ở xã hội, Nhà nước cũng cần phải mạnh tay ngăn chặn nạn đầu cơ nhà bằng cách tặng, thuê, để nhà ở xã hội thực sự hướng đến đúng đối tượng.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/nha-o-xa-hoi-nhieu-uu-dai-vi-sao-van-kho-37680.html

Theo Tạp Chí Điện Tử Reatimes