Đã có hàng loạt hội nghị, hội thảo từ Trung ương đến địa phương được tổ chức liên tục; nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều chuyên đề báo chí được triển khai với những phản biện, bàn luận sôi nổi…, song chương trình phát triển nhà ở xã hội - vốn mang một ý nghĩa nhân văn, sâu sắc dường như vẫn dậm chân tại chỗ, khó đạt được mục tiêu đặt ra.
Nguyên nhân là do mọi khâu đều tắc. Từ bố trí quỹ đất; nguồn vốn đầu tư; chủ đầu tư; chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trong đó có chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đến chất lượng công trình, hạ tầng xã hội đi kèm và điều kiện được mua nhà ở xã hội…, tất cả các vấn đề này đều đang gặp vướng mắc. Nhức nhối nhất là việc nhà ở xã hội xây xong bị trục lợi chính sách, bán sai đối tượng, thậm chí bỏ hoang vì không bán được.
Gần đây lại nóng lên chuyện lãi suất cho vay mua nhà, chuyện giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, chuyện các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản phải tích cực tham gia chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội…
Cần lưu ý là, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội cao hay thấp không phải là vướng mắc khiến việc phát triển nhà ở xã hội ách tắc mà sự bất hợp lý vốn đã xuất phát từ trong chính chương trình phát triển nhà ở xã hội, cốt lõi và tiên quyết là việc xác định mục tiêu và đối tượng thật sự của chương trình này.
Trên thực tế, người có nhu cầu thực và đáp ứng đúng điều kiện mua nhà ở xã hội như quy định hiện hành đang không đủ khả năng mua được nhà kể cả được vay với lãi suất 0%, chứ chưa nói đến mức 6 - 7%. Do thu nhập của họ chỉ đủ sống, thậm chí một bộ phận không đủ sống, không có tích lũy để mua nhà, theo đó không có khả năng trả tiền gốc, chứ chưa kể đến tiền lãi.
Đến lượt mình, chủ đầu tư nhà ở xã hội và cả cơ quan lẫn cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện chương trình nhà ở xã hội tất yếu sẽ vi phạm quy định khi duyệt bán nhà sai đối tượng vì thực tế không thể bán nhà cho đúng đối tượng được do loại đối tượng đó trong thực tế không đủ khả năng tiếp cận.
Với mức thu nhập thấp như hiện tại thì người mua chỉ có thể thuê nhà và Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ họ thuê nhà giá rẻ thay vì bán nhà giá rẻ cho họ.
Do đó, chương trình nhà ở xã hội cần thay đổi theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về đất và vốn để xây dựng nhà ở xã hội với giá thành thấp nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng và hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống của người dân.
Đồng thời hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp để họ có thể thuê nhà ở xã hội với giá thuê phù hợp với thu nhập của họ thông qua việc giảm giá cho thuê hoặc hỗ trợ một phần tiền thuê nhà hoặc cả hai. Khoản hỗ trợ này của Nhà nước có tính chất không hoàn lại chứ không phải cho vay dù là vay ưu đãi hay siêu ưu đãi. Chỉ có như vậy mới khắc phục được những hạn chế bất cập thậm chí sai phạm và méo mó, bất bình đẳng bộc lộ trong chương trình nhà ở xã hội hiện nay.
Có ý kiến cho rằng nên cho người thu nhập thấp thuê nhà miễn phí nhưng phương án cho thuê với giá hợp lý sẽ phù hợp hơn. Trên thực tế, đối tượng này vẫn đã, đang và sẽ thuê nhà trọ trong các khu dân cư, chung cư mini... để ở với điều kiện sống gần như không đảm bảo, thậm chí rất tệ, trong khi không được hỗ trợ gì từ phía Nhà nước cũng như người sử dụng lao động.
Người có nhu cầu thực và đáp ứng đúng điều kiện mua nhà ở xã hội như quy định hiện hành đang không đủ khả năng mua nhà kể cả được vay với lãi suất 0%, chứ chưa nói đến mức 6 - 7%.
Thị trường nhà cho thuê vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ suốt hàng chục năm qua, nhất là ở những địa bàn gắn với đô thị hóa và công nghiệp hóa song gần như hoàn toàn tự phát và hầu như không thể quản lý được ngay cả người cho thuê chứ đừng nói đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thuê nhà.
Thị trường nhà cho thuê, trong đó có cho thuê nhà ở xã hội là bộ phận đặc biệt quan trọng, song chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của thị trường bất động sản nước ta trong những năm qua do hạn chế cả từ phía cung lẫn phía cầu.
Tư duy và sự quan tâm thích đáng của cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp đến tâm lý xã hội phổ biến là phải có nhà riêng cho dù thu nhập thấp chứ không đi thuê nhà với chi phí phù hợp với thu nhập.
Rõ ràng, vấn đề then chốt trong việc tháo gỡ vướng mắc cho chương trình nhà ở xã hội chính là tạo dựng và hỗ trợ phát triển thị trường thuê nhà nói chung, thị trường thuê nhà ở xã hội nói riêng thay vì chỉ tập trung vào thị trường mua bán nhà như hiện nay.
Khi và chỉ khi khẳng định nhà ở xã hội là để cho thuê chứ không phải để bán thì chúng ta mới bàn tới từng cơ chế, từng chính sách, từng vấn đề cụ thể có liên quan, kể cả điều kiện thuê, thuê mua hay hỗ trợ bên cung và bên cầu cũng như vai trò của Nhà nước trên thị trường cho thuê nhà ở xã hội. Thậm chí thay đổi căn bản tư duy từ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng và cho thuê sang hỗ trợ trực tiếp người thuê nhà ở xã hội còn người mua nhà không được hưởng hỗ trợ nào ngoại trừ chính sách phát triển nhà có giá bán phù hợp với thu nhập của họ theo nguyên tắc và cơ chế thị trường./.
Nguồn: https://reatimes.vn/nha-o-xa-hoi-vuong-mac-ngay-tu-dau-202240227233432096.htm