Hảo Hảo hay Hảo Hạng mới là thương hiệu chính chủ? 

Nhãn hiệu mì Hảo Hảo được Vina Acecook chính thức cho ra mắt trên thị trường Việt Nam vào năm 2000. Hiện Vina Acecook là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa “Hảo Hảo” số 62360 cho sản phẩm mì ăn liền thuộc nhóm 30.

Nhãn hiệu này cũng đã được gia hạn quyền chủ sở đến ngày 27/06/2023, theo quyết định gia hạn số 65278/QĐ-SHTT, ngày 15/11/2012. 

Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2015, thị trường xuất hiện loại mì ăn liền với phân khúc giá trung bình tương tự phân khúc mì Hảo Hảo đang lưu hành. Đó là sản phẩm được sản xuất dưới nhãn hiệu “Hảo Hạng” của Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Food.

Nhãn hiệu mì Hảo Hạng đã được Công ty Asia Foods đăng ký từ 9 năm trước, vào năm 2006 với mẫu bao bì mì gói đỏ, vàng cam. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà đơn vị này lại cho sản xuất và phân phối sản phẩm trùng khớp với mẫu bao bì đỏ hồng, chi tiết rau củ y xì như Hảo Hảo.

Sản phẩm này có nhiều dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo” của Vina Acecook. Ngoài cái tên giống nghĩa, chỉ thay từ đồng âm “Hảo” bằng “Hạng”, mẫu bì bao bì từ sản phẩm đến thùng đựng mì đều tương tự.

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa đã và đang có vị trí đầu bảng, đóng góp 60% doanh số của Vina Acecook mỗi năm, đơn vị này có công văn gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để xin ý kiến về sự việc này. Khi đó, Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận hành vi của Asia Foods vi phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Đơn vị tiêu thụ từ chối mỳ Hảo Hạng 

Theo khảo sát của PV, hiện nhãn hiệu mì gói Hảo Hạng của Công ty Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) đã gần như biến mất hoàn toàn tại nhiều siêu thị ở Hà Nội và TP HCM.

Thậm chí, ở một số hệ thống siêu thị lớn như BigC, Fivimart, Vinmart... không chỉ nhãn mì trên, nhiều sản phẩm khác của Asia Foods như mì Gấu Đỏ, mì Trứng Vàng cũng không có mặt trên kệ hàng.

Nhân viên phụ trách quầy đồ khô tại siêu thị BigC và Fivimart cùng cho biết, từ trước tới nay, hai siêu thị này không bán mì Hảo Hạng, Gấu Đỏ. Những nhãn phổ biến tại đây hầu hết là của những thương hiệu khác gồm Massan, Micoem, Vina Acecook, Vifon...

Đại diện truyền thông của Lotte khẳng định, từ trước đến nay Lotte Mart vẫn bán các sản phẩm của Asia Foods. Tuy nhiên, đầu năm 2015, khi nhận được lời chào hàng của nhà cung cấp với sản phẩm mì Hảo Hạng, bộ phận kinh doanh của siêu thị này nhận thấy dấu hiệu không ổn từ sản phẩm, nên tạm thời từ chối.

Tuy không chinh phục được kênh siêu thị, song thực tế mì Hảo Hạng vẫn được bày bán khá phổ biến tại các chợ và đại lý. Theo chia sẻ từ người tiêu dùng, hiện sản phẩm vẫn có mặt tại một số chợ, đại lý ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh.

Tại chợ Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội), chị Lê Thị Lan, chủ hàng tạp hóa ở đây cho biết, chị nhập hàng từ trước Tết, do tiêu thụ chậm nên không muốn nhập thêm. Lượng hàng còn tồn chị bán dần đến hết.

Nhiều khách hàng tại TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ phản ánh, do chủ quan, chỉ nhìn qua bao bì sản phẩm nên nhiều lần, khách đã mua nhầm mì Hảo Hạng mà ngỡ là Hảo Hảo.

"Tôi mua cả thùng về, ăn tới gói thứ 6, thứ 7 mới biết mua nhầm. Nhà tôi hay ăn mì kèm rau, trứng hoặc thịt bò, cũng không thấy khác biệt nhiều ở chất lượng, hương vị của sợi mì. Tuy nhiên, khi biết đây là sản phẩm nhái thương hiệu, tôi lại thấy bất bình", khách hàng Lý Nhân (Bến Cát, Cần Thơ) chia sẻ.

Hiện nay Công ty Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) thông báo đã cho sản xuất nhãn hiệu mỳ Hảo Hạng đúng theo mẫu bao bì cũ đăng ký vào năm 2006. Tuy nhiên với những lùm xùm gây mất lòng tin của người tiêu dùng và các đơn vị phân phối thì nhãn hiệu này khó có thể được thị trường đón nhận.

Về phía Vina Acecook, sau thời gian tiếp nhận phản ứng từ người tiêu dùng về việc sản phẩm mì Hảo Hảo tăng giá bán từ sau Tết, Vina Acecook đang có các hoạt động điều chỉnh lại giá, khuyến mại, nhằm giữ vững vị trí dẫn đầu ở phân khúc thị trường mỳ tôm bình dân.

 

 

Bùi Nguyễn (tổng hợp)