Nếu bạn gõ chữ Văn phòng xanh (green office) trên google, thì rất khó tìm ra một định nghĩa chung cho khái niệm này. Nhiều năm gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, có một định nghĩa mà theo người viết, dễ hiểu nhất, đó là: Văn phòng xanh là sáng kiến để giúp các doanh nghiệp, tổ chức thay đổi nhằm cải tiến cách thức vận hành và quản lý văn phòng để giảm tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí do lãng phí.

Những thay đổi này diễn ra trong mọi mặt của vận hành văn phòng: từ giảm tiêu thụ năng lượng (điện) và các nguồn tài nguyên (nước, giấy), đến thiết kế nội thất văn phòng để lợi dụng ánh sáng tự nhiên và đảm bảo lưu thông không khí; từ các phương tiện mà nhân viên chọn để đi làm và giao dịch hàng ngày đến cách thức tổ chức các hội thảo hay chuyến đi nghỉ của công ty; từ việc chọn mua các sản phẩm và thực phẩm thân thiện với môi trường tới việc xây dựng hệ thống tái chế và tái sử dụng; từ việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh đến việc xây dựng ý thức xanh cho toàn bộ nhân viên. Không có một công thức chung nào về văn phòng xanh cho tất cả các văn phòng. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức sẽ tuỳ thuộc vào quy mô, điều kiện của mình, mà xây dựng những chiến lược hay kế hoạch văn phòng xanh phù hợp và hiệu quả.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Mua một cái máy photocopy hay một cái bóng đèn tiết kiệm điện, hay một cái máy in in được 2 mặt giấy, thì bao giờ cũng đắt hơn những thiết bị thông thường. Tại sao tôi lại phải tiêu nhiều tiền hơn để bảo vệ môi trường cơ chứ? Thực ra, câu trả lời rất đơn giản, nhiều khi chúng ta không nhận ra rằng chi phí vận hành các thiết bị văn phòng cao hơn số tiền đầu tư mua các thiết bị này rất nhiều lần.

Ví dụ một cái máy photocopy trị giá 4.000 USD, được sử dụng trong 7 năm, chụp khoảng 2 triệu bản, sẽ có thể dùng hết 1.500 USD tiền điện, 24.000 USD tiền giấy, và 15.000 USD tiền mực (theo tính toán của chương trình Văn phòng xanh của chính phủ Úc). Hơn thế nữa, lượng phát thải khí nhà kính từ việc cung cấp năng lượng từ các nhà máy điện cũng như việc sản xuất và tiêu huỷ số giấy mà máy này đã sử dụng có thể lên tới 80 tấn dioxit cacbon.

Cũng theo tính toán này, nếu như bạn mua một cái máy photocopy tiết kiệm điện, có thể dùng được giấy tái chế và hộp mực đổ, có thể photo được 2 mặt, cộng với nếu bạn có ý thức tái chế giấy, chuyển máy sang chế độ tiết kiệm điện khi không dùng, thì trong 7 năm đó bạn sẽ giảm lượng điện năng tiêu thụ và hoá đơn tiền điện lên tới 80%, giảm tới 50% chi phí mua giấy và mực, giảm lượng phát thải nhà kính do việc sản xuất điện, giấy và mực tới 75%, và cứu được 50 cái cây khỏi bị chặt khỏi rừng.

 
Nhân tố xanh tạo nên sự khác biệt cho cho cao ốc văn phòng

Nhân tố xanh tạo nên sự khác biệt cho cho cao ốc văn phòng

Định nghĩa đơn giản nhất của thiết kế xanh (biophilic) là sự tích hợp của thiên nhiên và yếu tố tự nhiên vào môi trường xây dựng. Đây được coi là kim chỉ nam để có thể tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả và đã được chứng tỏ là có thể giảm thiểu căng thẳng và cải thiện năng suất lao động. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đã ghi nhận năng suất làm việc tăng 8% và mức độ hài lòng của nhân viên tăng 13% tại những nơi làm việc được kết hợp thiết kế xanh.

Tuy nhiên, xu hướng này không chỉ dừng lại tại thiết kế văn phòng, nghiên cứu cho thấy khách hàng sẵn sàng trả thêm 23% để có thể chọn lựa phòng khách sạn có những yếu tố “xanh” và việc sử dụng các ứng dụng xanh trong dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe có thể khuyến khích sự tập trung, tăng khả năng tham gia và thúc đẩy quá trình phục hồi. Không dừng lại ở đó, sự xuất hiện của các yếu tố tự nhiên trong môi trường bán lẻ cũng được chỉ ra là có những tác động tích cực tới tỷ lệ cho thuê mặt bằng và tăng 8-12% số lượng mua sắm của khách hàng.

Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu hiệu quả của thiết kế xanh này và cũng có rất nhiều ví dụ được đưa ra về tác động tích cực của thiết kế xanh tại nơi làm việc. Một ví dụ được chứng minh bởi kiến trúc sư Lisa Heschong, người đã phát hiện ra rằng những nhân viên gọi điện được ngồi tại những vị trí có thể nhìn thấy cây cối được trang trí tại văn phòng thì hiệu quả gọi điện của họ tăng lên tới 6% so với việc ngồi đối diện bàn ghế công sở thông thường.

Tại Nhật Bản, tập đoàn Pasona đã đưa ra một bước tiến mới với việc tích hợp mô hình “Nông trại thẳng đứng” vào môi trường làm việc với các chậu cà chua được lắp đặt trên sảnh khu vực họp, cây chanh leo sử dụng để tạo thành những vách trang trí và dãy rau salad được đặt ngay tại các phòng thảo luận nhóm. Việc kết hợp mô hình nông trại thẳng đứng này đã đưa định nghĩa khác cho không gian đa chức năng của văn phòng và hỗ trợ tạo ra tương tác giữa những người sử dụng các tiện ích của tòa nhà.

Việc bổ sung các mảng xanh tới môi trường văn phòng có thể bắt đầu đơn giản với việc có một cây xanh để bàn làm việc hoặc sâu xa hơn là bổ sung những hệ thống kết hợp cây xanh cho công trình xây dựng.Tại TP.HCM, một dự án tòa nhà văn phòng hạng A cũng đã áp dụng thiết kế này với việc thi công một sân vườn Zen cho nhân viên làm việc tại tòa nhà để có thể ngắm nhìn toàn bộ thành phố cũng như tận hưởng khí trời tươi mới. Các khoảng không gian tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng này chính được xem là chìa khóa vàng để tạo nên điểm nhấn khác biệt cho những tòa nhà cao tầng vốn được nhìn nhận như những “chiếc hộp bê-tông” kiên cố của thành phố.

Lợi thế là những điều không thể bàn cãi nhưng thực vật là những nhân tố sống và cần được chăm sóc cẩn thận. Nếu không thì hiệu quả của việc sử dụng cây cảnh trong không gian làm việc có thể bị đảo ngược. Bởi vậy việc có thêm những đội ngũ chăm sóc hay những chuyên gia trong lĩnh vực này để có thể đảm bảo sự phát triển tốt nhất của hệ thống xanh trong tòa nhà cũng là điều cần được khuyến khích.

Thiết kế sinh học không chỉ dừng lại ở việc tích hợp cây xanh và thực vật mà còn là việc sử dụng các chất liệu thiên nhiên, tạo điều kiện tốt nhất cho con người có thể tiếp cận được ánh sáng tự nhiên và không khí để tạo ra hiệu quả ứng dụng tốt nhất. Bởi sự dễ dàng trong đầu tư và những hiệu quả tích cực của thiết kế này trong việc tạo ra không gian làm việc thân thiện với thiên nhiên cũng như tăng hiệu quả làm việc, thiết kế sinh học thực sự là một xu hướng cần được lan tỏa rộng rãi tới các tòa cao ốc tương lai.

 

Theo dothi.reatimes.vn