Câu chuyện về những công trình bỏ hoang trên đất vàng, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - là những trường hợp cá biệt. “Thực tế cho thấy, câu chuyện này nhiều năm về trước từng được xem như một xu hướng”, GS Võ nói.
Những căn nhà bỏ hoang hay công trình "treo" giải toả mặt bằng không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn kéo theo những hệ luỵ về mặt môi trường, an ninh xã hội,… Nhiều người dân sống quanh các khu nhà bỏ hoang chia sẻ nỗi chán chường với PV Reatimes: “Thứ nhất, những khu nhà không ai sử dụng, cây cỏ mọc um tùm khiến không gian ẩm ướt, muỗi rất nhiều. Thứ 2 là những nỗi lo về tệ nạn. Không ai đảm bảo những căn nhà hoang phế này không trở thành tụ điểm cho ma tuý hay những tệ nạn khác tương tự”.
Nhiều ý kiến cho rằng sự tồn đọng các dự án trên đất vàng, những căn nhà, công trình hoang hoá là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Một số người đặt câu hỏi vì sao đến nay, nhiều dự án chậm tiến độ gần một thập kỷ nhưng vẫn không bị thu hồi. Về điều này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng việc thu hồi là đúng luật. Ví dụ Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội ngừng thi công gần 7 năm nay, theo Điều 64, Luật đất đai 2013 thì hoàn toàn đủ lý do để thu hồi cả đất lẫn các hạng mục đã xây dựng. Song theo chuyên gia này, công tác thu hồi dự án cần sự quyết tâm, vào cuộc gắt gao của cơ quan hữu trách và cũng cần sự xem xét, tính toán chi tiết.
Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội
Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội được cấp phép xây dựng từ năm 1997 có tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD. Đây từng được kỳ vọng là bệnh viện quốc tế 5 sao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành cơ bản phần thô vào năm 2011, dự án bị bỏ hoang cho đến nay.
Ghi nhận thực tế tại bệnh viện này, hiện cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục xây dựng cũng hoen gỉ theo thời gian, hệ thống thoát nước gần như không hoạt động.
Công trình được xây dựng trên khoảng đất 8.500m2, toạ lạc trên tuyến đường Chùa Hà, đây được xem là tuyến phố đắc địa bậc nhất quận Cầu Giấy. Phía trước là công viên Nghĩa Đô, bên cạnh là trường Tiểu học – THCS Nghĩa Tân, cách chợ Nghĩa Tân khoảng 600m.
Xét theo quy định của UBND TP. Hà Nội về giá đất giai đoạn 2015 - 2019, giá đất ở tuyến đường Chùa Hà là 32 triệu đồng/m2. Song thực tế giao dịch đất ở trên tuyến đường này ghi nhận mức giá cao gấp 10 - 12 lần so với quy định.
Theo giám đốc của một văn phòng môi giới nhà đất trên địa bàn quận Cầu Giấy, giá đất ở trên mặt đường Chùa Hà giao động ở mức 350 - 400 triệu đồng/m2, tương đương với giá đất ở trên các tuyến đường lớn cùng quận như Trần Thái Tông, Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Hoàng Quốc Việt,… Như vậy, nếu tính theo giá đất ở, bệnh viện quốc tế có giá trị gần 3000 tỷ đồng.
Nếu xét theo giá đất thương mại dịch vụ , mức giá hiện nay trên tuyến phố mà bệnh viện Hoa Kỳ Hà Nội đang án ngữ là hơn 19,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nếu mục đích sử dụng đất là sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, giá đất mặt phố Chùa Hà xấp xỉ 16,3 triệu đồng/m2.
“Nhà ma” 300 Kim Mã
Sau khi xây dựng vào năm 1991, do không có nhu cầu sử dụng, đại sứ quán Bulgari đã để không căn nhà trong nhiều năm. Ngày 8/5 vừa qua, sau nhiều lần đàm phán, đại sứ quán Bulgari đã đồng ý bàn giao lại căn nhà cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.
“Nhà ma” 300 Kim Mã có diện tích 3.243m2, có 2 mặt tiền là Kim Mã và Vạn Bảo. Đây là tuyến phố trung tâm của quận Ba Đình, đồng thời là một trong những tuyến phố sầm uất bậc nhất Thủ đô. Giao dịch đất mặt phố Kim Mã hiện nay cũng ghi nhận mức giá cao ngất ngưởng.
Theo quy định của UBND thành phố, đất ở khu vực “nhà ma” 300 Kim Mã có giá 72 triệu đồng/m2. Đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp lần lượt có giá xấp xỉ 40 triệu đồng/m2 và 33,3 triệu đồng/m2.
Theo nhận định của nhiều nhà môi giới đất quận Ba Đình, giá đất ở của các lô đất “vàng mười” như “nhà ma” Kim Mã hiện nay có thể lên đến 400 - 500 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu được quy thành đất ở, giá đất “nhà ma” 300 Kim Mã vượt ngưỡng 1.200 tỷ đồng.
Khu tập thể 93 Láng Hạ
Khu tập thể 93 Láng Hạ nằm trên diện tích đấ 5.159m2, đi vào hoạt động từ năm 1987. Sau nhiều năm sử dụng, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2011, UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty CP Bất động sản An Thịnh về việc thực hiện dự án cải tạo nhà chung cư L1, L2 số 93 Láng Hạ. Tuy nhiên, sau này dự án bị mua đi bán lại và không được tiến hành xây dựng, thời điểm hiện tại Cty CP Bất động sản Vinaconex đã là chủ đầu tư của dự án này.
Hiện tại, dự án cải tạo chưa đi vào thực tế nên khu tập thể bỏ hoang vẫn án ngữ trên mặt đường Láng Hạ - một trong những tuyến phố trung tâm của quận Đống Đa.
Theo khảo sát, giá đất ở trên mặt phố Láng Hạ hiện được giao dịch ở mức 400 triệu đồng/m2. Trong khi đó, theo quy định của UBND TP. Hà Nội, giá đất ở mặt phố Láng Hạ là 60 triệu đồng/m2, tức bằng 1/7 so với mức giao dịch thực tế.
Nhà cổ Nguyễn Chế Nghĩa
Giá đất ở mặt phố Nguyễn Chế Nghĩa đạt mức 47 triệu đồng/m2 theo quy định của UBND TP Hà Nội. Song thực tế giao dịch biệt thự khu phố này, mức giá trên được “đội” thành 250 - 300 triệu đồng/m2.
Căn biệt thự cổ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa rộng khoảng 400m2, nằm ngay cạnh trụ sở UBND phường Hàng Bài. Đây vốn là nơi ở của cựu Chủ tịch TP. Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, tuy nhiên sau khi được ông Nghiêm trả lại vào năm 2014, căn biệt thự bị bỏ hoang nhiều năm liên tiếp.
Tính theo giá biệt thự cổ trên thị trường, cụ thể là các căn biệt thự được rao bán trong các khu lân cận, căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có giá khoảng 100 - 120 tỷ đồng.
Tình trạng bỏ hoang nhiều năm liên tiếp khiến không ít người “xót” cho lô đất vàng. Hiện tại, căn biệt thự cổ đang được UBND TP. Hà Nội triển khai đấu giá cho thuê trong thời hạn 5 năm để tránh lãng phí.