Sáng ngày 4/5, Saigonbank tiếp tục giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn từ 6 trở lên. Nam Á Bank cũng 0,1 - 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 4/5.
Hiện mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB. Đứng sau 2 ngân hàng trên lần lượt là Viet A Bank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%), HDBank (8,6%).
Ngoài VPBank, nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống còn trên dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường ở mức 7,2%/năm khi gửi tại quầy. Với hình thức gửi tiền online, lãi suất huy động 12 tháng của nhóm Big4 thường cao hơn khoảng 0,2 - 0,3 điểm % so với gửi tại quầy.
Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động thực tế có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi
Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm khá mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4.
Hồi cuối năm 2022, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này. Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1 – 1,7 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận cuối năm 2022.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do cầu tín dụng yếu và định hướng điều hành của NHNN.
Theo Công ty chứng khoán SSI, trong thời gian qua, Chính phủ và NHNN liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Chính phủ cũng như đồng ý đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023 của Bộ Tài Chính cho tất cả hàng hóa và dịch vụ chịu mức thuế VAT 10% nhằm kích cầu nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã ban hành hai thông tư quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và giao dịch TPDN của các ngân hàng thương mại.
"Nhìn chung, các biện pháp đều hướng đến việc cung cấp các điều kiện pháp lý thuận lợi và rõ ràng hơn, giải quyết những khó khăn về thanh khoản tạm thời trên thị trường, và giúp ổn định tâm lý trên thị trường.
Thông điệp tiếp theo từ phía Chính phủ và NHNN là tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất phù hợp hơn với điều kiện kinh tế hiện tại" - SSI đánh giá.
Mới đây, 4 ngân hàng có vốn nhà nước đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán KBSV cho biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2-2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%.
Điều này sẽ giúp lãi suất cho vay bình quân đạt quanh ngưỡng 10%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục hạ các loại lãi suất chính sách thêm 0,5% trong quý 2-2023.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/nhieu-ngan-hang-tiep-tuc-giam-lai-suat-tien-gui-102564.html