Hướng tới phát triển xanh bền vững

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, những thách thức, rủi ro các quốc gia phải đối mặt khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tác động trực tiếp tới mọi nền kinh tế trên thế giới. Do vậy, các quốc gia cần khẩn trương xây dựng các chính sách, kịch bản phù hợp để đối phó, thích ứng với những tác động này. Trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững.

Nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD
Nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD

Trong bối cảnh này, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Nhóm công tác Ngân hàng, các Ngân hàng quốc tế… nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng cho các dự án xanh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đã quan tâm với nhiều hướng dẫn nội bộ, tổ chức thực tế nhiều hoạt động cấp tín dụng cho các dự án thuộc lĩnh vực xanh như nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo... Qua theo dõi, 12 lĩnh vực về tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đều có sự tăng trưởng nhanh và cao hơn mức bình quân của toàn Ngành, trong đó tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng tín dụng xanh.

Thu hút nguồn lực vốn cho tăng trưởng xanh

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%. Để thực hiện được mục tiêu thu hút các nguồn lực, cần tập trung 4 nhóm vấn đề, đó là: Công tác xây dựng chính sách, công cụ huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững.

Mục tiêu nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thu hút tài chính xanh trong nước, quốc tế thông qua các công cụ như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…; từng bước vận hành thị trường các-bon, áp dụng công cụ thuế với hoạt động phát thải nhiều các-bon. Tiếp theo là nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh để thể chế hóa, tăng quy mô, tăng tính bao trùm, toàn diện của tài chính.

Mặt khác, cần xây dựng thể chế về đầu tư tạo môi trường thu hút đầu tư xanh cho phát triển bền vững. Các dự án mới hay đang triển khai đều phải hướng tới sử dụng tài nguyên hiệu quả, ít phát thải và thân thiện môi trường. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khi đầu tư công nghệ mới. Trong trường hợp này, nguồn lực Nhà nước sẽ dẫn dắt khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia các dự án xanh. Cuối cùng là nâng cao tính minh bạch trong tài chính xanh, bằng cách xây dựng chỉ tiêu thống kê, công bố thông tin chủ thể phát hành tài chính xanh, chỉ tiêu phát hành tín dụng xanh và đánh giá rủi ro và có cơ sở dữ liệu.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, nhu cầu tín dụng cho các dự án xanh vì mục tiêu phát triển bền vững là rất lớn nên ngành Ngân hàng rất cần huy động nguồn lực từ bên ngoài. Sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn ở việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, vốn trực tiếp cho các chủ đầu tư dự án xanh, phát triển bền vững.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh tới việc Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nếu Việt Nam không làm gì, thì chi phí cho biến đổi khí hậu có thể khiến tăng trưởng GDP giảm từ 12 - 14,5% vào 2050. Vì vậy, việc cần làm lúc này là tạo khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho thúc đẩy các dự án xanh.

Theo Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhu-cau-tin-dung-cho-cac-du-an-xanh-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-rat-lon-301758.html