Đặc biệt, khi trời trở lạnh đột ngột, hệ thống mạch máu của cơ thể không khỏe mạnh, bền bỉ thì nguy cơ đột quỵ sẽ rất lớn.
Trên thực tế, theo thống kê tại các bệnh viện, trong mùa đông lạnh, lượng bệnh nhân đột quỵ não tăng cao hơn so với ngày thường. GS.TS Lê Đức Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết, đa phần những người bị đột quỵ là những người bệnh đã có sẵn những yếu tố nguy cơ trong cơ thể như tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim mạch.
Khi gặp lạnh đột ngột, dễ làm co mạch, khiến huyết áp tăng vọt, bệnh lập tức chuyển nặng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tai biến thậm chí tử vong là rất lớn.
Trời chuyển lạnh đột ngột khiến nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Ảnh minh họa
Do đó, những người thuộc nhóm các bệnh lý dưới đây cần đặc biệt thận trọng trong mùa lạnh:
Người mắc bệnh tim
Khi thời tiết lạnh, cơ thể cần được giữ ấm, do đó tim phải làm việc nhiều hơn để đưa ôxy tới các mô trong cơ thể, việc này làm cho trái tim đang bị bệnh phải "gồng" lên khiến nguy cơ bệnh tái phát cao hơn. Hơn nữa, khi gặp nhiệt độ giảm sâu đột ngột, cơ thể bị mất nhiệt nhiều hơn, tim càng phải làm việc nhiều. Khi bị "quá tải", nguy cơ gặp tai biến là rất lớn.
Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi gặp lạnh, nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp cũng nhiều hơn. Đặc biệt, nhiệt độ thấp còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não…
Bệnh nhân tăng huyết áp
Trong mùa đông lạnh, các mạch máu thường co lại, điều này đặc biệt nguy hiểm ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, vì khi đó huyết áp sẽ cao hơn và có thể gây ra biến cố tim mạch. Thời tiết lạnh tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng động mạch. Mặt khác, nhiệt độ thấp cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương tim mạch.
Người cao tuổi
Người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường là những đối tượng cần thận vì dễ gặp tai biến trong mùa lạnh. Ảnh minh họa
Những người thể trạng yếu như người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90mmHg. Khi gặp lạnh đột ngột lúc ra bên ngoài hoặc khi tắm rửa, huyết áp sẽ tăng vọt lên. Nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt, những người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng.
Trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh sức đề kháng còn yếu, dễ nhiễm bệnh khi gặp thời tiết lạnh nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc rét đậm, rét hại. Những bệnh lý trẻ dễ gặp chủ yếu liên quan về hô hấp như: Viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Đối với những trẻ này, nên hạn chế tối đa việc cho ra ngoài khi trời lạnh. Kể cả khi ở nhà cũng cần lưu ý giữ ấm cơ thể cho bé, tuy nhiên, cũng không nên ủ bé quá kỹ dễ gây tác dụng ngược gây viêm phổi. Hàng ngày, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng chống lại các nguy cơ gây bệnh.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh?
Theo các chuyên gia, để phòng tránh các nguy cơ xấu ảnh hưởng đến sức khỏe trong mùa lạnh, điều quan trọng nhất là phải giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu, cổ, bàn chân khi ở nhà cũng như khi ra ngoài trời lạnh.
Phòng ở, nơi làm việc phải đảm bảo thông thoáng nhưng tránh bị gió lùa. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc "bắt" cơ thể phải thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột khi từ trong phòng bước ra ngoài trời. Nên mặc ấm, dùng khăn, khẩu trang, găng tay, tất chân để hạn chế sự xâm nhập của không khí lạnh vào cơ thể.
Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, nhất là vào ban đêm. Trường hợp cần đi vệ sinh, nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra để tránh gây hại.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột gây nhiều nguy cơ xấu đối với sức khỏe.
Bên cạnh đó, trong mùa lạnh, không nên thức dậy từ quá sớm vì nhiệt độ lúc sáng sớm thường rất thấp. Sau một đêm nằm tĩnh trên giường, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn.
Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp cơn gió lạnh sáng sớm cũng có thể khiến huyết áp tăng cao. Thực tế, nhiều cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim buổi sáng đã xảy ra ở những người cao tuổi, người có thói quen tập thể dục sáng.