Dạo quanh những khu chợ truyền thống ở Hà Nội, NTD giờ đã cảm thấy dễ chịu hơn bởi lối ứng xử văn minh của những tiểu thương nói chung và của nữ tiểu thương nói riêng. Lịch sự trong giao tiếp; nhẹ nhàng, linh hoạt trong ứng xử với khách hàng trở thành điểm các chị em tích cực học hỏi thời gian qua và đã mang lại nhiều đổi thay tích cực.

Hiện nay việc kinh doanh của các tiểu thương tại chợ truyền thống chịu sự cạnh tranh gắt gao với siêu thị và các kênh bán lẻ qua mạng. Bởi vậy, muốn níu giữ và thu hút được nhiều khách hàng vào chợ ngoài những tiêu chí như cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý thì ý thức văn minh trong thương mại của tiểu thương chính là yếu tố quyết định hàng đầu.

nhung chuyen bien tich cuc trong giao tiep voi khach hang cua nu tieu thuong
Giao tiếp, ứng xử với khách hàng được nữ tiểu thương chú ý hơn trước. 

Trước đây, vào các khu chợ, một trong những vấn đề khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, không thoải mái, đó là tình trạng nói thách, giới thiệu sản phẩm quá đà của người bán hàng. Khi giao tiếp với khách hàng, tiểu thương còn thiếu văn minh, lịch sự; vẫn còn hiện tượng đốt vía hoặc có thái độ cáu bẳn khi khách không mua hàng… Giờ đây, cách thức tiếp cận khách hàng của tiểu thương đã khác hẳn thể hiện bằng nét đẹp thanh lịch, văn minh trong giao tiếp, ứng xử. Thay vì giới thiệu phóng đại về chất lượng sản phẩm như trước kia là sự quan tâm đến nhu cầu thực tế của khách hàng.

Tiểu thương đã biết hỏi đến nhu cầu, mong muốn thực sự của khách về kiểu dáng, mẫu mã, giá tiền; từ đó giới thiệu những sản phẩm phù hợp để vừa làm hài lòng, không mất thời gian của khách vừa thể hiện sự tôn trọng khách; thay vì nói nhiều về hàng hóa thì người bán đã quan tâm đến việc hỏi khách nhiều hơn. Giá cả đưa ra cũng sát giá bán, không còn hiện tượng nói thách gấp rưỡi, gấp đôi như trước. Và tất cả những điều này đã được nữ tiểu thương lĩnh hội được thông qua những lớp tuyên truyền, những mô hình do Hội LHPN các cấp thực hiện đến từng BQL các chợ truyền thống trên địa bàn TP.

Từ nhiều mô hình nữ tiểu thương thực hiện “văn minh thương mại” là 3 công khai (công khai giá, công khai nguồn gốc, công khai chất lượng), 2 chuẩn mực (chuẩn mực giao tiếp, chuẩn mực cân đong), các nữ tiểu thương đã nằm lòng và nâng cao kỹ năng ứng xử, tạo được lòng tin đối với khách hàng. Sắp xếp hàng hóa kinh doanh gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy; giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp văn minh, lịch sự; không nói thách quá mức; giữ gìn vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại chợ; đồng thời thực hiện các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh tại chợ như niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo chất lượng; không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả… là những điều được các nữ tiểu thương nghiêm túc thực hiện. Có thể thấy, điểm mấu chốt trong văn hóa ứng xử của nữ tiểu thương nói riêng, đó là thay vì “tự ti” sẽ là “tự tin”; thay vì “phụ thuộc” sẽ là “tự trọng, độc lập, phát huy hết khả năng và làm việc bằng đam mê của bản thân”.

Đối với những phụ nữ ở những khu vực nông thôn, làng nghề chuyển sang hoạt động kinh doanh thì cách thức quản lý, giao tiếp với khách hàng cũng vô cùng quan trọng vì chị em vẫn giữ tư duy truyền thống, kinh doanh theo kinh nghiệm, thu lợi nhuận bằng mọi cách. Việc thay đổi, học hỏi về cách thức kinh doanh, kỹ năng ứng xử, giao tiếp là cách nắm giữ chìa khóa bước đầu trong kinh doanh, là yếu tố chủ đạo quyết định sự thành công trong kinh doanh của chị em.

Theo phapluatxahoi.vn