Ở đâu đó giữa ngã tư, họ hớp ngụm cà phê, quệt vội giọt mồ hôi để tiếp tục thực hiện ước mơ về một tương lai đủ đầy.

Giữa đường phố Sài Gòn nhộn nhịp, không khó để bắt gặp những tài xế xe công nghệ với chiếc áo xanh quen thuộc hối hả mưu sinh hằng ngày. Trong số họ, có người trước kia tưởng đã buông xuôi, ngã gục với số phận…

Phá sản, chạy Grab chèo chống gia đình

"Tôi có cha mẹ già 80 tuổi, 2 đứa con nhỏ mới 5 tuổi và hơn 1 tuổi, may nhờ Grab mà qua được mùa dịch…".

Anh Đinh Ngọc Bềnh (SN 1979, quê TPHCM) khởi đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như vậy, khi trên mặt vẫn còn đọng những giọt mồ hôi của cả ngày neo mình giữa phố.

Cách đây độ chục năm, anh Bềnh từng mở một công ty phần mềm máy tính. Nhưng đời không như là mơ, việc kinh doanh thất bại nặng nề khiến anh phải bồi thường một số tiền rất lớn. Năm 2015, công ty chính thức phá sản. Anh phải bán mọi thứ mình có trong tay, kể cả căn nhà đang sống.

Không cam chịu cú sốc trắng tay, anh Bềnh quyết định sang Thái, rồi Campuchia tìm mọi cách làm lại từ đầu. Nhưng tiền không đi đôi với hạnh phúc.

"Ở nước ngoài, tôi làm mỗi tháng đến 70-80 triệu đồng, nhưng mỗi đêm chỉ biết áp mặt vô 4 bức tường. Có những lúc bật khóc vì cô đơn cũng phải một mình chịu đựng" – bác tài 43 tuổi nhớ lại.

Những chuyến xe công nghệ ươm mầm sự sống
Những chuyến xe công nghệ ươm mầm sự sống

Ngày quyết định về Việt Nam, anh Bềnh háo hức nhưng cũng đầy trăn trở. Suy đi tính lại, anh không biết phải làm nghề gì để lo chi phí nhà trọ, ăn uống, học hành cho con. Anh nghĩ trong đầu: Mỗi tháng kiếm dưới 20 triệu đồng thì không sống nổi!

Tháng 3/2018, anh Bềnh quyết định bén duyên với Grab. Và đó cũng là lựa chọn sáng suốt nhất với anh cho đến thời điểm này.

Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, trong lúc TPHCM bị phong tỏa, anh Bềnh có thể ra đường để phục vụ mua nhu yếu phẩm, góp phần giúp đỡ cộng đồng và cũng kiếm được tiền.

"Covid-19 làm nhiều người thất nghiệp, nhưng tổng thu nhập năm 2021 của tôi lên đến hơn 100 triệu đồng" – anh Bềnh nói rồi khoe "thành tích" trong những tháng dịch vừa qua.

Đôi lần, người thân anh Bềnh mặc cảm, nghĩ anh cũng có trình độ, bằng cấp như bao người mà mang tiếng chạy "xe ôm". Nhưng anh tự thấy nghề nào cũng là kiếm tiền chân chính. Gia đình anh giờ cần sự ổn định, đảm bảo miếng ăn mỗi ngày hơn là sự liều lĩnh ôm mộng đổi đời.

"Bây giờ, tôi chỉ muốn có thời gian lo cho 2 đứa nhỏ. Có thể lương không cao bằng ngày xưa, nhưng mình thấy vui vì nuôi sống được cha mẹ, vợ con" – nam tài xế trải lòng.

"Cảm ơn Grab đã ở đây và cho tôi cơ hội"

Hớp vội ngụm cà phê, Nguyễn Hoàng Quý (SN 1997, quê Đắk Lắk) nở một nụ cười, khi cả ngày được khách liên tục đặt xe.

18 tuổi, Quý từ quê xuống Sài Gòn học ngành kỹ thuật ô tô, rồi dừng lại nhanh chóng vì hoàn cảnh quá khó khăn. Cậu làm đủ nghề từ bảo vệ, phụ quán ăn, bán hàng online nhưng không đủ sống.

Năm 2017 qua bạn bè giới thiệu, Quý gia nhập đội ngũ xe công nghệ. Từ lúc này, cuộc sống của chàng trai dần bước sang một trang mới.

"Trước đây, thu nhập của tôi cao nhất cũng chỉ 7 triệu đồng, khi chạy Grab thu nhập tăng gần như gấp đôi. Mỗi tháng, tôi gửi về nhà 7-10 triệu đồng để mẹ chi tiêu, trả tiền vay ngân hàng để xây nhà mới" – Quý kể.

Năm 2020, cha Quý mất vì ung thư vòm họng, còn mẹ bị bệnh đau thần kinh tọa hành hạ. Thu nhập từ công việc của Quý lại càng thêm quý giá.

"Tôi từng làm cho công ty rồi nên biết, lương thấp mà áp lực lắm. Nhất là khoản trả lương tháng, khi cần tiền gấp không biết xoay sở sao. Còn chạy Grab thì tôi chủ động được thu nhập và thời gian. Khi mẹ ốm đau có thể tắt app về quê chăm mẹ. Grab giờ cũng có mặt ở Đắk Lắk rồi" – Quý phân tích.

Chàng trai với mái tóc dài lãng tử nói sẽ ráng làm vì mục tiêu tương lai có một số vốn kha khá để lo cho mẹ bớt tảo tần, rồi lấy vợ sinh con, có một gia đình nhỏ của riêng mình.

"Tôi sẽ chạy Grab một vài năm nữa, rồi về đoàn tụ với mẹ. Cảm ơn Grab đã ở đây và cho tôi cơ hội. Mong Grab ngày càng phát triển để mang đến nhiều cơ hội thu nhập cho các đối tác tài xế" – bác tài tên Quý nhắn nhủ rồi lại lao xe vào cuộc mưu sinh tất bật.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nhung-chuyen-xe-cong-nghe-uom-mam-su-song-20201231000006776.html