Xuất thân là một kiến trúc sư, Nguyễn Hoàng Phương và nhóm bạn học đã từng đoạt giải đặc biệt Biennale Kiến trúc quốc tế SOFIA 1994 với công trình mang tên “Trả lại cho đất những gì của đất” nhằm bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống Bát Tràng.
Nhưng giờ đây, người ta lại biết đến một Nguyễn Hoàng Phương với vai trò là người sáng lập ra Greener Shops - Nhóm Chợ xanh - nơi hội tụ những người có chung mối quan tâm về thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng sạch, thân thiện với môi trường.
Từ kiến trúc tới nông nghiệp
Không ít người khi nghe tên đã lầm tưởng rằng Greener là một thương hiệu Thực phẩm sạch (TPS) như nhiều thương hiệu khác. Nhưng thực tế, đây là một cộng đồng, là nơi giao lưu, kết nối những người sản xuất, nuôi trồng có tâm, có tầm và những người tiêu dùng quan tâm tới những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Greener Shops được thành lập từ tháng 5/2013 với nòng cốt là một nhóm quy tụ những người yêu môi trường, yêu kiến trúc. Đến tháng 2/2018, sau gần 5 năm xây dựng và phát triển, nhóm đã đạt được những thành công nhất định khi cộng đồng ngày càng lớn mạnh và bền vững với 12.000 thành viên trên khắp cả nước.
Từ những mặt hàng ít ỏi ban đầu, giờ Greener shops có cá từ sông Đà, gà từ Lương Sơn (Hòa Bình), lợn và hải sản từ Hậu Lộc (Thanh Hóa), rau ở ngoại thành Hà Nội, hoa quả từ Cần Thơ, nấm và các thực phẩm chế biến từ nhiều tỉnh thành...
Không chỉ thực phẩm sạch, Greener còn có máy lọc nước, nhang thắp, du lịch homestay,... Quan trọng hơn cả là Greener hướng các thành viên đến việc thay đổi các hành vi, thói quen sinh hoạt, tiêu dùng theo hướng xanh - sạch hơn.
Thực ra, chẳng phải vô duyên vô cớ mà Hoàng Phương đến với thực phẩm sạch.
Với ngành nghề được đào tạo bài bản là kiến trúc, anh quan tâm và dành nhiều thời gian nghiên cứu về môi trường, cảnh quan đô thị,... do đó mà những bài viết ban đầu của Greener chủ yếu là về ô nhiễm môi trường đất, nước nói chung.
Cũng chính từ đó, Nguyễn Hoàng Phương nhận ra rằng ô nhiễm môi trường đất, nước không chỉ tác động trực tiếp mà còn gián tiếp phá hủy đời sống con người qua việc làm ô nhiễm nguồn thực phẩm và tạo ra làn sóng "thực phẩm bẩn".
Bên cạnh đấy, anh cũng nhận ra rằng, nếu chỉ một mình mình thì không thể thay đổi được bất kỳ điều gì nên đã thành lập Greener shops để quy tụ những người yêu thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch như mình.
“Khi mình nói về ý tưởng thành lập Greener, nhiều người bạn đã tỏ ra thích thú và nhiệt tình ủng hộ. Nhờ đó mà Greener ra đời và từng bước trở thành cộng đồng kết nối những người sản xuất sản phẩm sạch và người tiêu dùng.”, anh Hoàng Phương chia sẻ.
Xây dựng Greener - xây dựng một cộng đồng
Sự khác biệt của một cộng đồng với một thương hiệu thực phẩm, theo Nguyễn Hoàng Phương chính là sự minh bạch.
"Nếu có cộng đồng đủ mạnh, người tiêu dùng không chỉ thụ động mua hàng mà họ có quyền đòi hỏi nhà sản xuất phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, minh bạch quy trình sản xuất. Khi mà chất lượng không như quảng cáo thì không chỉ mộ mà hàng nghìn người tiêu dùng có mặt trong cộng đồng ấy đều biết được".
Là người thành lập và dành nhiều tâm huyết với thực phẩm sạch, từ khi Greener ra đời, Nguyễn Hoàng Phương trở thành người đại diện cho cộng đồng ấy bằng cách đích thân đi kiểm tra các nhà cung ứng, từ nguồn gốc, chất lượng giống, chất lượng phân bón có đúng hữu cơ, tự nhiên hay hóa học, quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
"Greener Shops đòi hỏi sự minh bạch công khai, tương tác 24/7.", anh Phương cho hay.
Các nhà cung ứng và khách hàng của Greener ban đầu khá ít, nhưng dần dà, sau khi tương tác, được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ mọi người trong cộng đồng, mua thử sản phẩm và kiểm tra thì người dùng bắt đầu tin tưởng và tăng dần cả về số lượng và vùng miềnn.
"Định hướng phát triển Greener hiện nay xuất phát từ ý tưởng từ 1 cuốn sách tôi đọc năm 1995 với cái tên “Con đường phía trước” của Bill Gates. Cuốn sách có đề cập đến khái niệm chủ nghĩa tư bản không ma sát - là nơi mà người sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau và có thể tương tác với nhau làm nên sản phẩm thích ứng hoàn toàn với nhu cầu của người tiêu dùng.", Hoàng Phương chia sẻ.
Về dự định lâu dài với Greener, Hoàng Phương không khẳng định điều gì, bởi với sự phát triển của nền kinh tế cũng như thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng như hiện nay là rất khó đoán định.
"Không biết 10 năm nữa Greener phát triển đến đâu nhưng cái tên Greener với tôi chính là 1 phong cách sống. Greener có thể hiểu là sống xanh hơn hoặc là người xanh", Nguyễn Hoàng Phương nói và nở một nụ cười rất chân thành.
Giải thích thêm, anh cho rằng, muốn sống xanh thì cả môi trường trong và ngoài cơ thể đều phải sạch và xanh. Môi trường bên trong - là cơ thể, xanh và sạch nhờ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, môi trường bên ngoài là ngôi nhà, đường phố, thành phố, đất nước và rộng ra là cả địa cầu này, nơi chúng ta đang sống.
Chất lượng quyết định sự tồn tại
"Greener chỉ là kênh kết nối hỗ trợ, có người đặt hàng tôi sẽ mua, giúp cho người nông dân bán hàng. Tôi cũng không hứa hẹn sẽ làm gì với người nông dân mà chỉ cho họ biết rằng sản phẩm tốt ắt được lựa chọn, còn sản phẩm kém chất lượng, không đạt yêu cầu thì việc bị loại trừ là điều đương nhiên."
Với nguyên tắc đấy, các mặt hàng khi đưa lên nhóm Greener Shops - Chợ Xanh đều được gắn liền với tên người sản xuất để người tiêu dùng có thể kiểm chứng được chất lượng, tìm hiểu nguồn gốc và đánh giá chất lượng một cách hoàn toàn công khai.
So với chợ truyền thống hay một số siêu thị, giá thành các sản phẩm qua Greener có thể cao hơn. Tuy nhiên, mức giá này được đánh giá là khá "dễ chịu" so với các thương hiệu có tên tuổi về thực phẩm sạch.
Theo vị kiến trúc sư này thì thực tế giá thành các sản phẩm hữu cơ không đắt như mọi người nghĩ. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã và đang bị đẩy vào câu chuyện thổi phồng giá thành và chất lượng của các sản phẩm hữu cơ.
"Ngoài kia người ta bán 30 - 35.000 đồng/kg rau hữu cơ nhưng tôi bán với giá 21.000 đồng/kg đã có lãi rồi.", anh Phương thực thà.
"Greener là nơi gặp gỡ trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, do vậy nếu gặp đúng những người sản xuất thực phẩm hữu cơ thì người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với giá rất tốt. Còn trên thị trường, do qua khâu trung gian nên chi phí bị đẩy lên nhiều dẫn đến việc giá các loại thực phẩm đang khá đắt so với mặt bằng chung".
Hiện các loại rau đang được Greener bán đồng giá 21.000 đồng/kg. Các loại củ quả, rau thơm có giá tùy thuộc vào thời điểm và nhà cung cấp nhưng nhìn chung là tương đối ổn định. Giá các mặt hàng thực phẩm như cá lăng nuôi trên sông Đà - mới được cấp chứng nhận VietGap có giá khoảng 160.000 đồng/kg, cá rô phi có giá 100-160.000 đồng/kg, gà có giá 205.000 đồng/kg sau mổ.
Nói về tương lai của Greener, Hoàng Phương cho hay anh sẽ không đi theo hướng trở thành một thương hiệu mà muốn Greener trở thành hệ thống cửa hàng: Greener trong lĩnh vực y tế, thực phẩm, hoa quả, thịt, cá, rau,… và trở thành một mạng lưới cho phép bất cứ ai có sản phẩm đều có thể cung cấp và đưa tới người dùng.
"Với Greener tôi luôn muốn cái sau luôn phải tốt hơn cái trước", Hoàng Phương chia sẻ với ánh mắt đầy hy vọng.