Chương trình truyền thông “Hành động về an toàn thực phẩm” trên quy mô toàn quốc trong năm 2017 và 2018 nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về an toàn thực phẩm.
Lễ phát động Chiến dịch “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm. Ảnh: Moit
Phát biểu tại Lễ phát động Chiến dịch “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết quan điểm chỉ đạo của Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 chỉ rõ, bảo đảm an toàn thực phẩm chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.
Theo Thứ trưởng, bên cạnh việc tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm, chúng ta cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Lễ phát động Chiến dịch “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm” đãkhởi động các hoạt động truyền thông tới người dân Việt Nam cùng tham gia cam kết hành động vì an toàn thực phẩm trong những tháng tiếp theo. Ngay tại buổi Lễ, hàng trăm người đã ký tên trực tiếp hưởng ứng Chiến dịch Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đặc biệt là các chợ đầu mối; kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, phân phối thực hiện an toàn thực phẩm.