Đón chúng tôi trong một buổi sáng cuối tuần lất phất mưa xuân ngày đầu năm mới, Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ, để có cuộc gặp gỡ này là anh đã “phá lệ” bởi anh rất sợ lên báo!
Từ môi giới chứng khoán tới kinh doanh hải sản
Xuất thân là nhân viên môi giới chứng khoán, Nguyễn Ngọc Khánh, cũng giống nhiều đồng nghiệp khác, sa cơ lỡ vận khi thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm và giao dịch ảm đạm suốt giai đoạn 2012-2014.
Đến cuối 2014, khi không còn khả năng cầm cự và thanh khoản, Nguyễn Ngọc Khánh buộc phải trốn ra đảo Phú Quốc lánh nạn với ý định chờ thị trường hồi phục sẽ quay trở về bắt đầu lại từ đầu.
Thế nhưng, chính bản thân Nguyễn Ngọc Khánh cũng không ngờ rằng đảo ngọc Phú Quốc không chỉ cho anh một chốn nương náu tạm thời mà còn mang lại cho anh một cơ hội hoàn toàn mới: Kinh doanh hải sản tự nhiên.
“Ban đầu chỉ là tìm hiểu cho biết vì trước đó gia đình tôi cũng thường xuyên xách tay đồ hải sản từ Phú Quốc về phục vụ nhu cầu kinh doanh nhỏ. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng nhận thấy nhiều điểm thú vị và phát hiện kinh doanh hải sản tự nhiên cũng... mạo hiểm không khác chơi chứng khoán là bao nhiêu”, anh Khánh chia sẻ với vẻ hài hước.
“Chứng khoán, bên cạnh các kiến thức, kỹ năng thì người chơi cần phải có chút may mắn. Kinh doanh hải sản tự nhiên cũng vậy, ngoài các yếu tố chủ quan thì mình còn phải trông chờ vào… Ông Trời vì thời tiết, gió mùa, khí hậu,... sẽ quyết định đến cả chất lượng và sản lượng hải sản.”
Những ngày đầu mới khởi nghiệp, hải sản Khánh Phú Quốc chỉ tạm đủ để phục vụ nhu cầu kinh doanh tiệc cưới của gia đình. Dần dà, Khánh Phú Quốc đặt được “mối” làm ăn với một số nhà hàng nhưng số phận dường như chưa buông tha cho anh khi phần lớn các đối tác này đều mua nợ. Số tiền nợ cứ ngày càng lớn và chưa biết bao giờ thu hồi được. Chán nản, anh quyết định tìm thị trường mới.
Sau hơn 2 năm nỗ lực xây dựng lại từ đầu, hiện giờ Khánh Phú Quốc tập trung vào bán buôn và đã có những khách hàng riêng, uy tín và gắn bó lâu dài.
“Sản lượng của Khánh Phú Quốc hiện còn ít và không đều vì là hàng tự nhiên. Hải sản Khánh Phú Quốc nói không với hàng đánh bắt quy mô lớn”.
Vượt qua chính mình
Chia sẻ về những khó khăn bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, anh Khánh cho rằng ai làm kinh doanh cũng phải đi tìm thị trường, phải cạnh tranh giá cả, đảm bảo chất lượng,… nên đấy không phải là điều đáng bàn.
“Cái khó nhất là vượt qua bản thân mình, vượt qua rào cản lớn nhất là gia đình vì người thân của mình thường là người đầu tiên cản mình”, anh bộc bạch.
Một người đang sáng đi làm quần tây, áo cổ cồn trắng, giầy da bóng loáng, suốt ngày ngồi trong máy lạnh, giờ đột nhiên lại đầu tắt mặt tối với mấy con tôm mực... Sự thay đổi 180 độ đấy không chỉ khiến người ngoài nhìn vào thấy ngạc nhiên mà ngay cả chính bản thân mình cũng khó chấp nhận.
“Vượt qua được cái sỹ diện hão đó thì may ra mới tính tiếp được”, Khánh Phú Quốc chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch.
Kinh doanh bằng nỗi sợ
Nửa đùa nửa thật, Khánh Phú Quốc nói với chúng tôi rằng anh khởi nghiệp kinh doanh hải sản dựa trên nỗi sợ: Nỗi sợ của chính bản thân mình sau một lần phá sản hoàn toàn và nỗi sợ của người tiêu dùng giữa một thị trường lẫn lộn “hàng thật hàng nhái”.
“Vì sợ tiếp tục phá sản nên tôi chọn đầu tư vào chất lượng và uy tín, dù sản lượng ít và lợi nhuận tăng chậm. Việc cam kết chất lượng này cũng giúp giải quyết “nỗi sợ” của khách hàng khi mua nhầm sản phẩm kém phẩm chất”, anh Khánh chia sẻ.
“Ví dụ như con mực, khách hàng “sợ” nhất là mua nhầm mực “ngậm” nước, khi xào vừa ra nước, bị hao cân mà thịt sẽ bớt ngọt, bớt ngon. Còn mực ở Khánh Phú Quốc là mực câu tự nhiên và cấp đông ngay khi còn sống nên khi xào chắc chắn sẽ không ra nước”.
“Đối với tôm, “nỗi sợ” lớn nhất là sự nhập nhèm giữa tôm tự nhiên và tôm nuôi. Con tôm biển tự nhiên sẽ có khả năng có trứng nếu vào đúng thời điểm đẻ trứng tôm biển nuôi không bao giờ có trứng vì đặc điểm riêng của loài này. Tôm biển tự nhiên bao giờ cũng có càng và râu sắc hơn, khỏe hơn so với đồ nuôi nên khách hàng chỉ cần chịu khó quan sát sẽ nhận ra ngay”.
“Còn các loại cá, khách hàng “sợ” nhất là mua nhầm cá ướp ure mà cá thu là một trong những loại có nguy cơ cao nhất. Bản chất của ure là để giữ cá tươi, không bị ươn, thối do ngư dân đi biển dài ngày, không bảo quản được. Vậy nên khách hàng nên chọn những loại cá câu gần bờ vì khi đi về trong thời gian ngắn, người ta sẽ không cần phải ướp ure”.
“Khách hàng không phải là thượng đế”
“Thị trường hải sản không chỉ có một mình Khánh Phú Quốc mà có hàng nghìn nhà cung cấp, trong đó có những “ông lớn” tiềm lực mạnh và uy tín lâu năm. Chúng tôi thì vừa mới, vừa nhỏ nên không thể chạy theo nhu cầu đa dạng và biến động của khách hàng mà chỉ có thể cung cấp sự lựa chọn để khách hàng tự ra quyết định mà thôi”, anh Khánh chia sẻ.
Nói thêm về tiêu chí kinh doanh, anh Khánh cho rằng anh không coi khách hàng là thượng đế mà cho rằng mỗi đối tượng đều có vị trí ngang nhau và việc kinh doanh chỉ thực sự bền vững khi hài hòa được lợi ích giữa tất cả các bên.
“Đối với khách hàng, Khánh Phú Quốc là nhà cung cấp, nhưng đối với ngư dân, Khánh Phú Quốc lại chính là khách hàng. Nếu mình cứ chạy theo nhu cầu của khách hàng, rồi về phía mình, cũng lại cứ đòi hỏi ngư dân phải làm những việc mà họ không thể thì chẳng mấy chốc, hệ thống sẽ bị phá vỡ. Chính vì vậy, chúng tôi hướng tới một cuộc chơi công bằng giữa tất cả các bên”.
“Tươi là ngon”
Chia sẻ về “bí quyết” kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Khánh trả lời khá rụt rè khi cho rằng mình không có “bí quyết” nào cả.
“Hải sản không giống các món khác. Những món thịt khác, nếu muốn ngon thì phải có nguyên liệu ngon và chế biến ngon. Nhưng hải sản thì gần như chỉ cần đảm bảo “tươi là ngon”, việc chế biến chỉ mang tính hỗ trợ chứ không quyết định hương vị của món ăn”, anh Khánh nhấn mạnh.
Nói thì có vẻ đơn giản vậy nhưng để thực hiện được tiêu chí “tươi là ngon” cũng không phải là dễ dàng vì cần sự đồng bộ và đầu tư ở tất cả các khâu: Việc đánh bắt phải đảm bảo đồ hải sản còn sống và nguyên vẹn. Ngay khi lên bờ, hải sản sẽ được phân loại, đóng thùng và cấp đông ngay lúc còn sống rồi chuyển thẳng về Hà Nội bằng máy bay trong ngày.
Không chỉ khó, việc thực hiện tiêu chí này còn khá tốn kém khi mỗi cân hải sản chuyển từ Phú Quốc ra Hà Nội bằng máy bay sẽ bị “đội giá” thêm 40.000 - 50.000đồng. Cũng chính vì vậy mà hải sản Khánh Phú Quốc hiện đang có giá gần như đắt nhất thị trường.
“Chúng tôi không cạnh tranh bằng giá. Chúng tôi cạnh tranh bằng chất lượng”, người sáng lập Khánh Phú Quốc nhấn mạnh.