Hiện ở nước ta mỗi ngày có hàng triệu túi nilon được thải ra môi trường. Túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy sinh học, khi thải vào môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới vài trăm năm để chúng phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên.
Do đó, sự tồn tại của túi nilon sau quá trình sử dụng và thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, môi trường nước và các thành phần môi trường.
Túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng. Và hệ lụy của việc môi trường đất, nước bị ô nhiễm là sức khỏe con người bị đe dọa nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Huy Nam, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm cho hay, các gia đình cần thay đổi thói quen dùng túi nilon để hạn chế mức thấp nhất cho vận chuyển, xử lý rác thải. Việc này còn quan trọng hơn cả việc đóng phí vệ sinh hàng tháng.
Túi nilon tự phân hủy sinh học
Túi nilon tự phân hủy sinh học ra đời nhằm khắc phục những tác hại của túi nilon, cải thiện môi trường sống mà vẫn đảm bảo cho nhu cầu sử dụng của con người.
TS Nguyễn Trung Việt - Phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho hay, túi nilon tự hủy sinh học được làm từ một số nguồn nguyên liệu hữu cơ như bột bắp, bột mì.
Do đó, sau quá trình sử dụng, dưới tác động của vi sinh vật, bao bì sẽ chuyển hóa thành những chất hữu cơ đơn giản, dễ hòa tan hoặc phân hủy thành khí carbonic và nước, không gây ô nhiễm môi trường.
Một số ưu điểm của túi nilon tự phân hủy sinh học là tự ấn định thời gian phân hủy, không gây tác hại cho môi trường, thuận tiện cho tái chế, an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm, bền ở nhiệt độ thấp, thuận tiện cho việc sử dụng đựng rác gia đình, rác thải công nghiệp, y tế.
Không khó để tìm mua túi nilon tự phân hủy sinh học. Hiện nay, trên thị trường, loại túi nilon phân hủy sinh học được bày bán ở nhiều nơi như siêu thị, chợ đầu mối. Mức giá thông thường dao động từ 50.000 – 120.000 đồng/cuộn tùy từng loại.
Một số thương hiệu có bán phổ biến như Bibicom, Ringo, Tiến Thành, Nam Thái Sơn, Phú Hòa…dùng nguyên liệu từ một số loại như bã mía, sơ dừa, bột bắp… Nhiều loại túi có thể tự hủy trong môi trường tự nhiên sau 2 đến 4 tháng.
PGS.TS Nguyễn Đức Khảm, Trung tâm Nghiên cứu các Chế phẩm Sinh học cho hay, hiện giá túi tự hủy do được hỗ trợ nên có giá rẻ khoảng 30.000 - 40.000đ/kg. PGS.TS Nguyễn Đức Khảm khuyến cáo, túi tự hủy có dán nhãn xanh, người tiêu dùng có thể căn cứ vào nhãn xanh trên túi để có lựa chọn đúng.
Người tiêu dùng cũng có thể xác định sản phẩm phân hủy sinh học được mua về có độc hay không bằng cách đốt. Nếu thấy sản phẩm dễ cháy, không bốc khói thì tính độc hạn chế, ngược lại có tính độc thì khó cháy, cháy không sùi bọt nhưng bốc khói, có mùi lạ, khi ra khỏi lửa sẽ tắt ngấm.
Túi giấy
Loại túi làm bằng chất liệu giấy thường khá xinh xắn và mỏng manh, tuy nhiên được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt nên hiện nay được ưa chuộng để đựng đồ ăn chế biến và các sản phẩm khác như quần áo, giày dép rất hợp thời trang và an toàn cho người sử dụng
Túi môi trường
Hiện nay, nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước đã bắt đầu đổi sang loại túi môi trường thay thế cho túi nilon đựng hàng. Người tiêu dùng phải mua loại túi này với giá 5.000 - 10.000 VNĐ/chiếc tùy kích cỡ. Loại túi này khá chắc chắn và có bao bì bắt mắt, khách hàng có thể sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm.
Nhiều người tiêu dùng hiện nay đã có thói quen mang theo túi môi trường khi đi chợ hoặc siêu thị để không sử dụng túi nilon.