Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm hoạt động kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp Việt điêu đứng. Tuy nhiên, từ chính những thách thức đó đã làm bùng nổ phương thức kinh doanh online (trực tuyến). Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi một cách nhanh chóng, tăng rõ rệt từ hình thức offline (trực tiếp) sang hình thức online (trực tuyến) do tâm lý hạn chế, giảm bớt các hoạt động, tương tác với đám đông khiến tần suất đi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng giảm mạnh so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.

Có cầu ắt có cung, khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh, đồng nghĩa với khối lượng công việc của các shipper (người vận chuyển, giao hàng) cũng tăng đột biến. Đây được coi là "cơ hội vàng" để kiếm thêm thu nhập nhưng song song đó là những nguy cơ, hệ lụy liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng...

Shipper hoạt động "vượt công suất"

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, doanh thu của các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý hạn chế tiếp xúc nơi công cộng đông người, hạn chế các giao dịch tiền mặt trực tiếp trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải chuyển phương thức kinh doanh đã khiến xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ. 

Các đơn hàng tăng "chóng mặt", lượng nhân viên giao nhận tăng lên gần gấp đôi, khối lượng công việc của các shipper đa phần vượt công suất 2 đến 3 lần so với thời điểm trước dịch mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi rõ rệt từ trực tiếp sang trực tuyến.

Việc đặt đồ ăn, đồ uống qua các ứng dụng chuyên giao hàng đã trở thành thói quen với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trong thời gian qua, đặc biệt tăng mạnh hơn sau lệnh "cách ly xã hội". Khi việc mua sắm, ăn uống trực tiếp tại các trung tâm thương mại, các nhà hàng, quán ăn là không thể thì các trang thương mại điện tử, các dịch vụ ship đồ ăn tận nhà lại trở thành “cứu cánh” cho nhiều quán ăn, cửa hàng và thậm chí là cả người tiêu dùng trong mùa dịch.  

Nghề Shipper là nghề đưa hàng thuê, gần giống như dịch vụ chuyển phát nhưng gói gọn trong phạm vi hẹp và giao hàng trong thời gian rất nhanh.

Quy trình của một shipper cũng rất đơn giản: shipper sẽ nhận hàng và tạm ứng trước cho người đưa đơn hàng số tiền hàng, sau đó giao hàng cho khách nhận lại tiền của khách và phí ship.

Tiền công mỗi lần giao hàng dao động từ khoảng 15.000 - 35.000 đồng trong thành phố tùy xa gần. Nếu chịu khó thì 1 shipper thời điểm này có thể hoàn thành được trung bình khoảng 15 - 20 đơn hàng/ngày vì đơn hàng tăng, giao thông thuận lợi, tương đương với mức thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng/1 ngày - một mức thu nhập khá lý tưởng trong thời điểm mọi ngành nghề đều đang khó khăn do những ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Shipper trở thành "cứu cánh" cho các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh và cả người tiêu dùng trong thời điểm này

"Một ngày mình giao khoảng 20 đơn trong nội thành Hà Nội, trung bình một ngày mình thu được 400.000 - 500.000 đồng. Thời điểm này, các shop online (cửa hàng) bán rất đắt hàng nên  không bao giờ thiếu việc, chỉ sợ không đủ sưc khỏe để làm thêm thôi”, một shipper chia sẻ.

Trước thực trạng nghề shipper "lên ngôi", không ít những người rơi vào tình cảnh thất nghiệp, cắt giảm lương do Covid-19 cũng có ý muốn "đổi nghề" để mong thu nhập không bị gián đoạn, đảm bảo được cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Tự nâng cao ý thức phòng hộ

Theo khảo sát chung, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, gia dụng, thực phẩm, đồ ăn/uống thông qua các ứng dụng thương mại điện tử chiếm phần lớn nhu cầu của người dân trong thời điểm "cách ly xã hội" nên các shipper thường xuyên tập trung đông tại các địa điểm trên.

Sau Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực, đồng loạt các quán ăn, cửa hàng buộc ngưng mở cửa đón khách nhưng phần lớn trong số đó vẫn hoạt động online nhằm duy trì lượng khách và doanh thu. 

Theo ghi nhận của PV, số lượng đơn tăng đột biến nên các shipper phải thường xuyên di chuyển qua nhiều địa điểm để nhận và giao hàng, tiếp xúc với nhiều người lạ - đây cũng là một trong những lo ngại của các shipper về nguy cơ tiềm ẩn, khả năng lây nhiễm cao.

Shipper công nghệ là một trong số những nghề phải tiếp xúc nhiều nhất trong mùa dịch. (Ảnh: VOV).

Đối với người tiêu dùng, trong khi lựa chọn các loại hình mua sắm trực tuyến thay thế việc mua bán tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống để tránh nguồn lây 1 phía với người bán thì đối với các shipper, nguy cơ đến từ cả 2 phía - người bán và người mua hàng. 

Ý thức rõ công việc của mình trong giai đoạn bùng phát dịch khá nguy hiểm, các shipper luôn trong tâm thế đề phòng và tự giác thực hiện những biện pháp phòng chống lây lan Covid-19.

"Để cố gắng bám trụ với nghề và việc phải liên tục tiếp xúc với nhiều hành khách trong tâm điểm dịch Covid-19, chúng tôi luôn chuẩn bị khẩu trang, rửa tay thường xuyên và vệ sinh phương tiện kỹ càng mỗi ngày", một shipper đang làm việc tại Hà Nội cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị đã có những chia sẻ về vấn đề này: "Đối với các bạn shipper, hãy luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe của bản thân, đến các cơ sở dịch vụ đồ ăn là những nơi có thể tập trung đông người thì nên sử dụng các phương tiện phòng hộ nhất định như khẩu trang, tránh tiếp xúc gần cũng như dùng các dung dịch khử khuẩn rửa tay. Trong thời điểm hiện tại thì không thể đảm bảo 100% về mức độ an toàn trong việc ship hàng, đặc biệt là nguy cơ virus tồn tại trên bề mặt tiếp xúc như bề mặt gói hàng hay tiền mặt".

Chính vì vậy, dù là vì mưu sinh, nhưng trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các shipper nói riêng và người dân nói chung vẫn cần tự nâng cao ý thức phòng hộ bằng việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên để hạn chế bớt khả năng lây lan, cùng chung tay, góp sức chiến thắng dịch Covid-19!

Lưu ý từ các bác sĩ để đi xe an toàn mùa dịch:

- Mang khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và yêu cầu khách mang khẩu trang mới phục vụ.

- Không chạm tay lên vùng mắt, mũi, miệng.

- Sử dụng nước rửa tay thường xuyên

- Vệ sinh xe sau mỗi ngày đi làm 


Theo Trúc An/Đô thị mới