Tam giác mạch
Tam giác mạch như bản tình ca của núi rừng Tây Bắc, mỗi năm cứ độ này giai điệu lại trầm bổng du dương. Mà lạ thay, năm nào hoa cũng nở như một vòng tuần hoàn nhưng có bao giờ lòng người thôi mơ màng trong sắc hoa. Cứ độ tháng 10 – tháng 12 hằng năm, tam giác mạch lại bừng nở, núi rừng vốn đã hùng vĩ nay lại được khoác “chiếc áo hoa” đẹp đến nao lòng.
Có những nơi lí tưởng đế ngắm tam giác mạch là tại Hoàng Su Phì, Xín Mần Đồng Văn, Lũng Cú tỉnh Hà Giang; Bắc Hà và Simacai (Lào Cai); Trà Lĩnh, Trùng Khánh (Cao Bằng). Nhưng đặc biệt, tại Cao Bằng, dịp đầu đông thế này hoa ít hơn so với độ tháng 3 – 4.
Cải vàng
Từ những ngày tháng 10, cải vàng đã nở hoa. Nhưng mãi cho đến tháng 12, hoa mới đương độ xuân thì, rực rỡ và căng tràn nhựa sống. Từ loại cây cho hạt ép thành tinh dầu, thì nay, thức hoa đồng nội mọc phổ biến ở ngoại thành Hà Nội hay xứ Mù Cang Chải xa xôi bỗng trở thành “đặc sản” thu hút lữ khách.
Hoa cải chẳng xa lạ, nhưng không biết từ bao giờ, thức hoa nhỏ bé mong manh lại làm say lòng người, để rồi phả vào trong chiều gió mùi hương ngai ngái đặc trưng. Thảm hoa vàng luôn là khoảnh khắc đẹp trong khói chiều mờ ảo, phía xa xa thấp thoáng thôn bản của người Mông khiến những lữ khách phương xa luôn chùn bước trước khi nói lời tạm biệt.
Cúc họa mi
Chẳng rực rỡ như hướng dương, chẳng kiêu sa như hoa hồng, nhưng những đóa cúc nhỏ bé mang tên gọi của một loài chim vẫn có một nét cuốn hút riêng khiến nhiều người mong chờ. Cúc họa mi ở Hà Nội chỉ nở vào tầm tháng 11, khi trời bắt đầu se lạnh, kéo dài trong 2 – 3 tuần. Cứ thế mà mỗi khi mùa hoa đến, lòng người lại háo hức, như sợ lỗi mất 1 nhịp với thời gian.
Những ngày này, cánh đồng cúc họa mi ở làng hoa Nhật Tân, bãi đá sông Hồng hay vườn hoa Tây Tựu lại nhộn nhịp khách. Trong số đó, có những người dân thủ đô và có cả những người yêu hoa từ nhiều vùng miền.
Nhiều người vẫn hay ví cúc họa mi như cốt cách của người Hà Nội: đơn giản, thanh tao và tinh tế. Chỉ riêng sắc hoa trắng muốt, nhụy vàng, ngỡ nhạt nhòa, đủ làm bừng sáng cả phố phường trong những ngày đông chuyển lạnh.
Hướng dương
Nghệ An – vùng nắng gió khô cằn của dãy đất miền Trung từ nhiều năm nay đã trở thành điểm hẹn lí tưởng của giới trẻ mỗi khi mùa hoa hướng dương bắt đầu. Một nhánh hướng dương đã rực rỡ, giờ đây cả cánh đồng hoa mặt trời, ai lại chẳng xuyến xao. Trong những ngày hanh hao, tiết trời âm u bỗng rực rỡ bởi nàng hoa đương độ xuân thì.
Hoa nối tiếp hoa trải dài cả một cánh đồng ven đường Hồ Chí Minh làm bất kì ai ngang qua cũng không thể làm ngơ. Từ nhiều năm nay, vườn hoa vốn là điểm tham quan chụp ảnh miễn phí. Thậm chí vào mùa cao điểm mỗi ngày nơi đây tiếp đón hàng ngàn người yêu hoa kéo nhau tìm đến.
Dã quỳ
Không sang trọng như cúc hay rực rỡ như hướng dương, dã quỳ là một sự dung hòa của thức hoa chốn núi rừng. Đó là màu vàng óng ánh của lọn nắng hiếm hoi ngày cuối đông phả vào rừng cây xanh um dịu mát. Cứ thế, dã quỳ rực rỡ “thay áo” cho các triền đồi Đà Lạt, Buôn Mê, dù “em” là một loài hoa dại.
Để rồi, dã quỳ trở thành một loài hoa biểu tượng cho thành phố ngàn hoa. Thậm chí ngay tại quảng trường Lâm Viên – “trái tim thành phố” có hẳn một công trình dã quỳ khổng lồ cao hơn 18 m, diện tích 1.200 m2. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ thấy, dã quỳ đâu chỉ cuốn hút với khách phương xa mà còn là niềm tự hào của người dân Đà Lạt.
Cỏ hồng
Một trong những loài hoa làm nên “thương hiệu” Đà Lạt, không thể không kể đến cỏ hồng. Cỏ hồng đã có mặt ở vùng đất này từ khá lâu nhưng chỉ trong vòng vài năm trở lại đây khi các tay săn ảnh lưu lại những khoảnh khắc rực rỡ đã giúp giới thiệu rộng rãi hơn về vùng đất này. Mùa cỏ hồng chỉ kéo dài từ tháng 11 đến tháng 12, tuy nhiên thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng là vào bình minh hoặc hoàng hôn. Lúc này, khi ánh nắng nhuộm hồng cả đồi cỏ tạo nên khung cảnh ngọt ngào nên thơ.
Đồi cỏ hồng vốn không tọa lạc tại trung tâm thành phố, đường di chuyển khá xa xôi, vậy mà năm nào mùa hoa nở, biết bao lữ khách phương xa lại tìm về chỉ để chiêm ngưỡng sắc hồng rực của thảm cỏ trong nắng sớm, xung quanh được ôm ấp bởi đồi thông.