Kể từ đầu năm tới nay, do những tác động của đại dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ nông sản nội địa và xuất khẩu đã có những diễn biến bất ngờ. Trong khi nông sản xuất khẩu của Việt Nam ngày càng ghi dấu ấn trên trường quốc tế, một số sản phẩm như vải, thanh long, nhãn đã gây “sốt” tại châu Âu, Nhật Bản, Úc,... thì ngược lại, thị trường tiêu thụ nông sản nội địa lại đang căng thẳng. Nhiều địa phương liên tục kêu gọi “giải cứu” nông sản, ngay cả lúa gạo - một loại thực phẩm thiết yếu cũng đang có nguy cơ tồn dư số lượng lớn.
Hàng loạt địa phương kêu gọi hỗ trợ nông sản
Ngay từ đầu tháng 8, Sóc Trăng và Lâm Đồng là 2 địa phương đã chủ động lên tiếng, kêu gọi người dân cả nước hỗ trợ hàng vạn tấn nông sản và hoa tươi.
Cụ thể, tại Sóc Trăng, hiện có gần 25.000 tấn nhãn, 13,5 tấn bưởi, 4.600 tấn vú sữa, 15.800 tấn cam sành đang chuẩn bị tới mùa thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc kết nối với các thương lái, và các địa điểm tiêu thụ ngày càng trở lên khó khăn.
Đặc biệt, ngay cả lúa gạo, hiện đang trong kỳ thu hoạch lúa hè thu, riêng tại Sóc Trăng có hơn 800.000 tấn chờ tiêu thụ. Nếu không có đầu ra, nguy cơ tồn kho là rất lớn.
Tương tự, mới đây, Lâm Đồng cũng đã lên tiếng, kêu gọi người tiêu dùng trong nước hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 triệu cành hoa tươi, như hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lily, hoa hồng;...
Ngoài ra, tỉnh này còn có 30 tấn hạt macca đã đóng gói, với giá 260.000 đồng/kg và 100 tấn bơ bút, giá bán 15 nghìn đồng một kg cũng cần được hỗ trợ tiêu thụ.
Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, ngành sản xuất và kinh doanh hoa Đà Lạt là mũi nhọn kinh tế tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng và đã trở thành thương hiệu của cả nước. Tuy nhiên, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, ngành hoa Đà Lạt gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu hoa trên thị trường giảm, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo giá hoa Đà Lạt sụt giảm mạnh. Thậm chí nhiều nhà vườn phải cắt bỏ hoa vì không có người mua.
Do đó, Lâm Đồng đang cần được chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Sở Công Thương Lâm Đồng cũng kêu gọi, các địa phương, cá nhân, tập thể hỗ trợ tiêu thụ hoa tươi Lâm Đồng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Lâm Đồng và Sóc Trăng chỉ là 2 trong hàng chục tỉnh, thành phố đang bị tắc đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Và việc các địa phương này kêu gọi người tiêu dùng hỗ trợ chỉ mang tính chất tạm thời.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, như Vụ thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, đồng thời tổ chức các gian hàng tiêu thụ nông sản, hỗ trợ người nông dân trong mùa dịch.
Có thể thấy, trong thời gian qua, quả vải đã làm rất tốt công tác kết nối các tỉnh, thành địa phương tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân tại Bắc Giang và Hải Dương.
Riêng tại Bắc Giang, trong mùa vụ 2021, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn, tăng trên 50.850 tấn, tương đương tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020. Đây là sản lượng cao nhất từ trước tới nhất.
Tại thị trường nội địa, vải thiều được quan tâm, mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ); Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.
Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng, tương đương với năm có doanh thu cao nhất. Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng và từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng.
Trước sự thành công của quả vải, giới chuyên gia kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục “để ý” tới các mặt hàng nông sản khác. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay, Bộ Công Thương cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài hỗ trợ nông sản, không bị phụ thuộc vào quá trình “giải cứu”.
Nông sản Việt “thăng hạng” trên trường quốc tế
Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng được thị trường quốc tế ưa chuộng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam vẫn tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh, như sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 24,1%, hạt tiêu tăng 49,8%, nhân điều tăng 14%, các mặt hàng rau, củ, quả cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 6 và tháng 7/2021, quả vải “made in Việt Nam” đã thực sự gây sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới, như Pháp và Nhật Bản. Mặc dù, giá vải thiều xuất khẩu sang quốc gia này không hề rẻ, lên tới vài trăm, thậm chí vài triệu đồng/kg, nhưng luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Cũng giống như vải, cà phê Việt Nam đang rất được ưa chuộng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi. Riêng tại Algeria, thị phần cà phê Việt Nam chiếm tới 50% và luôn duy trì ở mức rất cao.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương xác định nông nghiệp là khu vực mà Việt Nam có nhiều thế mạnh, có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, trong quá trình đàm phán hội nhập, Bộ Công Thương và các bộ, ngành luôn đặt mục tiêu để đạt được phương án tốt nhất cho hàng hóa nông sản, trái cây của Việt Nam xuất khẩu.
Quả vải thiều Việt Nam là một ví dụ. Trái vải thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận lần đầu tiên vào vụ mùa năm 2020 là một quá trình dài với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, địa phương cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp, người nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, ngoài trái vải, để tiếp tục đưa được những trái cây tươi ngon khác của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, người nông dân cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tới cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
“Người nông dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí mà các thị trường có nhu cầu nhập khẩu đưa ra”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Ông Diên nhấn mạnh: Để tránh xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, người nông dân, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về thị trường, coi thị trường Trung Quốc là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản ngoài việc nắm bắt tiêu chuẩn chất lượng, thị hiếu, nhu cầu thị trường cần chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, chú trọng bảo đảm chất lượng, xây dựng thương hiệu, hướng tới giảm dần xuất khẩu các sản phẩm thô có giá trị thấp, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến sâu.
Nguồn: https://congluan.vn/nong-san-viet-nam-trong-mua-dich-trong-nuoc-kho-khan-thang-hang-tren-truong-quoc-te-post152396.html