Nhiều năm nay, câu chuyện thiếu nước sạc đã trở thành nỗi "đau đầu" của nhiều người dân Hà Nội. Sống giữa Thủ đô nhưng điệp khúc “mất nước”, “hết nước” đã trở thành nỗi ám ảnh quen thuộc của không ít khu dân cư, thậm chí là chung cư hiện đại.
Thường xuyên thiếu nước sạch
Mới đây, theo phản ánh của người dân tại khu đô thị mới Đại Kim – Định Công (Hoàng Mai), khu nhà liền kề từ B1 đến B5 của KĐT cũng như các chung cư B15, B9 luôn trong tình trạng cạn bể nước, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng gần tháng qua.
Trao đổi với PV, bà Đàm Thị Loan, tổ trưởng tổ dân phố 2A cho biết, việc mất nước ở khu đô thị mới Đại Kim – Định Công không mới, nhưng gần 1 tháng nay gần như không có nước khiến người dân vô cùng khốn khổ và bất tiện.
“Từ tháng 5/2016, toàn bộ khu đô thị mới Đại Kim - Định Công 1, trong đó bao gồm tổ dân phố 2A, tổ 47, tổ 42, tổ 2C luôn trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Sau đó, nhiều hộ dân viết đơn đề nghị lên cơ quan chức năng và việc thiếu nước dần dần được cải thiện rõ rệt.Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, tình trạng mất nước lại tiếp tục tái diễn ở đây. Như thành thông lệ, cứ mất nước khoảng 15 - 20 ngày thì lại tiếp tục có nước sinh hoạt”, bà Loan cho biết.
Theo ghi nhận của Reatimes ngày 28/7, hầu hết các bể chứa nước của các gia đình đã cạn đến đáy. Máy bơm nước nhưng không có nước. Tình trạng mất nước đỉnh điểm này đã kéo dài liên tục gần 1 tuần.
Để có nước sinh hoạt, các hộ dân đã phải mua nước từ các xe thùng giá cao. Giá mua nước mỗi một thùng như vậy từ 900.000 – 1.200.000 đồng.
Một chậu nước vừa rửa rau vừa giặt quần áo
Giữa thời tiết oi bức, lúc nào cũng xôn xao câu chuyện mất nước. Hầu hết những bể chứa nước ngầm của hàng trăm hộ dân ở đây đều cạn trơ đáy.
Bởi giá mua nước từ các xe thùng quá cao, để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, người dân tại dãy liền kề B5 khu đô thị mới Đại Kim - Định Công thường xuyên phải sử dụng lại nước rửa rau để giặt quần áo, thậm chí người lớn phải “nhịn” tắm, còn trẻ con thì được mang đi gửi nhà họ hàng. Nhiều người phải sang quận khác để “tắm ké”, “giặt nhờ”.
Hầu hết các hộ gia đình ở đây không biết lúc nào có nước, có khi bể cạn, có lúc nước chảy nhỏ giọt. Bên cạnh việc máy hút nước sục thẳng xuống bể nước, nhiều người dân phải thức để trực, canh nước trong đêm. Để hút được nước, nhiều hộ đã phân chia thay phiên nhau thức chờ có nước để bơm dự trữ cho hôm sau.
“Nước sạch hiếm hoi, chỉ đủ sử dụng để nấu ăn. Nước phải dùng đi dùng lại rất nhiều lần, chẳng hạn nước rửa rau được sử dụng để giặt quần áo, nước điều hòa, nước mưa sử dụng để lau nhà. Nhiều hộ gia đình phải “nhịn” vệ sinh hoặc đi vệ sinh nhờ vì sợ không có nước xả sẽ rất mất vệ sinh”, bà Đàm Thị Loan kể.
Theo người dân nơi đây, tình trạng thiếu nước sạch đã xảy ra ở khu đô thị này từ hơn 2 năm nay. Người dân đã gửi đơn thư về việc thiếu nước, mất nước lên các cấp song cho đến nay tình trạng này vẫn không được khắc phục.
Được biết, người dân khu đô thị Đại Kim – Định Công sử dụng nước sạch của chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Khai thác và Quản lý dịch vụ Đô thị và Thương mại (HANHUD). Từ tháng 9/2012, công ty này đã hợp đồng mua bán, đấu nối với van tổng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO).
Trước tình trạng mất nước trên, Công ty Cổ phần VIWACO cho biết, việc cung cấp nước trên địa bàn quản lý của công ty gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực cuối nguồn như phường Định Công, Đại Kim trong đó có khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực trên tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà - Hà Nội đã giảm khoảng 0,6m so với cùng kỳ năm 2016 mặc dù công ty đã đầu tư bổ sung một số tuyến ống truyền tải, phân phối, vận hành điều tiết mạng lưới, vận hành hệ thống trạm bơm tăng áp để tăng cường cấp nước cho khu đô thị trên. |