Công ty Nhã Nam đã phối hợp với NXB Thế giới phát hành một bản Kiều mới với nhan đề “Truyện Thuý Kiều” do hai tác giả Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim hiệu khảo. Tuy nhiên, ngay sau khi tác phẩm Truyện Thúy Kiều ra mắt đã gặp phải không ít phản ứng trái chiều từ độc giả về bìa sách in hình Thúy Kiều... ở trần.

Trao đổi với báo Gia đình Việt Nam, PGS. Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có ý kiến thẳng thắn về vấn đề này.

PGS. Văn Như Cương khẳng định, sử dụng bức tranh của cụ Lê Văn Đệ miêu tả Thúy Kiều đang tắm làm bìa sách là không phù hợp.

PGS. Văn Như Cương khẳng định, sử dụng bức tranh của cụ Lê Văn Đệ miêu tả Thúy Kiều đang tắm làm bìa sách là không phù hợp.

Thưa PGS, Công ty Nhã Nam sử dụng bức tranh của cụ Lê Văn Đệ miêu tả Thúy Kiều đang tắm làm bìa sách đã gặp phải nhiều ý kiến cho rằng, bìa sách Truyện Thúy Kiều không đúng thuần phong mỹ tục, thậm chí “dung tục”, “câu khách”... PGS đánh giá như thế nào về bìa sách mới này?

Theo ý kiến của cá nhân tôi, hình ảnh đang được công ty Nhã Nam làm bìa sách là không phù hợp. Việc sử dụng hình ảnh đó cho thấy người trình bày bìa sách đã không hiểu được nội dung của Truyện Kiều, không hiểu được bản thân cô Kiều.

Trong tác phẩm Thúy Kiều, Nguyễn Du muốn nói đến thân phận nàng Kiều trong xã hội phong kiến gặp nhiều trắc trở và chịu nhiều nỗi đau. Toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều muốn toát lên thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đó chứ không phải là một người phụ nữ đẹp và gợi cảm.

Bức tranh của cụ Lê Văn Đệ chỉ minh họa câu “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” chứ không phải minh họa cho toàn bộ tác phẩm. Vì vậy, sử dụng bức tranh này làm ảnh bìa thì không phù hợp.

Ảnh bìa Truyện Thúy Kiều do Nhã Nam phát hành.

Ảnh bìa Truyện Thúy Kiều do Nhã Nam phát hành.

Không những thế, Truyện Thúy Kiều còn có nhiều đoạn trích đã được đưa vào sách giáo khoa, có trong chương trình giảng dạy. Nếu các em học sinh muốn mua cuốn sách ấy để nghiên cứu thêm thì hình ảnh đầu tiên đập vào mắt sẽ không phù hợp. Học sinh có thể lệch lạc tuy duy, các em sẽ không nhớ đến vẻ đẹp hay thân phận Kiều qua lời thầy cô giáo giảng, mà chỉ thấy một nàng Kiều ngay trên bìa sách.

Vì vậy, không ai phủ nhận giá trị nghệ thuật bức tranh của cụ Lê Văn Đệ, nhưng để minh họa cho rang bìa, là “gương mặt” của cuốn sách thì hoàn toàn không phù hợp.

Truyện Kiều không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn có nhiều bản dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Việc sử dụng hình ảnh Thúy Kiều khỏa thân làm bìa sách có làm mất đi tinh thần của Kiều đối với bạn bè quốc tế không thưa PGS?

Bạn bè quốc tế có thể đã từng nghe nói đến Truyện Kiều, họ biết Truyện Kiều hay, là tác phẩm văn học điển hình của một giai đoạn lịch sử... Nhưng khi họ tìm Truyền Kiều để đọc và thấy hình ảnh một nàng Kiều như hình ảnh bìa trên, thì có lẽ họ sẽ thất vọng và hiểu sai về cô Kiều.

Được biết, hình ảnh trên bìa sách “Truyện Thúy Kiều” của Nhã Nam khác nguyên gốc của tác phẩm, phần khung cảnh của tranh gốc đã bị cắt đi, người xem sẽ bị tập trung vào hình ảnh Thúy Kiều ở trần. Theo PGS, việc không đưa đúng nguyên tác bức tranh là đúng hay sai?

Chắc chắn là không đúng rồi. Nếu là một bức tranh thì phải lấy nguyên vẹn bản gốc. Nhất là với bức tranh của cụ Lê Văn Đệ theo trường phái của Trung Quốc, thường có khoảng không rất lớn để con người có thể suy nghĩ vào khoảng không của bức tranh chứ không phải kiểu đặc tả của phương Tây. Khi cắt bớt khung cảnh bên ngoài, vô tình hình ảnh đã không còn đúng ý đồ nghệ thuật của tác giả.

Tác phẩm của họa sĩ Lê Văn đệ được xuất bản kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du.

Tác phẩm của họa sĩ Lê Văn đệ được xuất bản kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du.

PGS có ý kiến gì về việc lấy tranh làm ảnh trang bìa nhưng chưa được sự đồng ý của tác giả hay người được ủy quyền về bản quyền tác phẩm?

Nếu với một bức tranh đã nổi tiếng trên toàn thế giới, thì việc sử dụng hình ảnh đó để in làm bìa sách hay trong một tác phẩm nào đó, có thể không cần sự đồng ý của tác giả.

Tuy nhiên, với bức tranh của cụ Lê Văn Đệ, thì chắc chắn phải có sự đồng ý của tác giả hay người được ủy quyền.

Cũng như một ví dụ đơn giản, những câu ca dao dân ca, là vốn văn hóa của dân tộc thì có thể sử dụng. Nhưng những tác phẩm văn thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên... thì chắc chắn phải có sự đồng ý của người được ủy quyền về bản quyền tác phẩm. Trong việc in sách giáo khoa, cũng đã có lần gặp phải vấn đề này.

Nói về bức tranh của cụ Lê Văn Đệ làm ảnh bìa “Truyện Thúy Kiều”, một họa sĩ nổi tiếng đã khẳng định: “Nếu tranh của họa sư Lê Văn Đệ mà còn không được xuất bản trên bìa sẽ tạo tiền lệ rất xấu với ngành xuất bản và ngành mỹ thuật”, Theo PGS ý kiến đó đúng hay sai?

Theo ý kiến trên thì bất kì một bức tranh nổi tiếng nào cũng có thể được làm trang bìa? Nếu một bức tranh nổi tiếng nhưng vẽ hình ảnh gợi cảm lên một tác phẩm chính trị thì cũng có thể được?

Theo tôi cần xem xét cụ thể từng trường hợp, đó là bức tranh nào, in trên tác phẩm nào chứ không thể quy chụp chung chung như vậy được.

“Truyện Thúy Kiều” từ khâu lên ý tưởng, thiết kế bìa đến khâu kiểm duyệt và được phát hành nhưng không được độc giả ủng hộ. Vậy theo PGS, lỗi là do ai?

Theo tôi vấn đề này là ở Cục xuất bản. Cục xuất bản phải quản lý mỗi cuốn sách được phát hành trên thị trường về bìa sách, nội dung sách, giá bán sách... Mà hình như công việc này lớn quá đối với Cục xuất bản nên không có đủ người để thực hiện các khâu đó.

Vì vậy, gần đây trên thị trường, nhiều nội dung sách lệch lạc và cần phải chấn chỉnh. Theo tôi cần phải thay đổi lại cách quản lý của Cục xuất bản, xóa bỏ những tiền lệ xấu đã có trong thời gian gần đây để có những cuốn sách thực sự hay đến với độc giả.

Xin cảm ơn PGS đã chia sẻ!

Việc bìa cuốn sách "Truyện Thúy Kiều" do Công ty Nhã Nam phát hành in hình Thúy Kiều khỏa thân đang gây sự chú ý của dư luận trong suốt những ngày qua.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là trước những ý kiến trái chiều của dư luận và của giới chuyên gia, khi PV báo Gia đình Việt Nam liên hệ với Công ty Nhã Nam để có cái nhìn đa chiều nhất về sự việc thì rất nhiều cuộc điện thoại đến công ty này đều không liên lạc được.

Khi liên lạc được thì người này đẩy sang người khác, thậm chí đại diện của công ty này còn thể hiện thái độ rất khó hiểu khi gửi mail trả lời PV. Dư luận đang đặt ra câu hỏi là phải chăng Nhã Nam đang cố tình "trốn tránh" và im lặng trước sự việc đang được nhiều người quan tâm này?

Theo Thanh Hiền / Gia đình Việt Nam