Hơn 1 năm qua, do dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Sự giãn cách, cách ly làm cho việc sản xuất bị ngừng trệ 1 cách nghiêm trọng, tiêu dùng của xã hội bị thiếu thốn, nhiều chi phí cho sản xuất và tiêu dùng bị đẩy lên cao. Đặc biệt, sự cách ly đã làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy. 

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Vũ Vĩnh Phú, chuyên gia thương mại chỉ ra rằng, ngoài các yếu tố liên quan tới dịch bệnh, việc bị đứt gãy chuỗi cung ứng còn có nguyên nhân đến từ sự chủ quan của một số địa phương.

Việc bị đứt gãy chuỗi cung ứng còn có nguyên nhân đến từ sự chủ quan của một số địa phương.
Việc bị đứt gãy chuỗi cung ứng còn có nguyên nhân đến từ sự chủ quan của một số địa phương.

Theo ông Phú, mặc dù đã có hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đến chuỗi cung ứng, tuy nhiên 1 số tỉnh, thành phố đã tự sinh ra những “giấy phép con” cho riêng địa phương mình. 

Những tỉnh đó coi việc chống dịch ở địa phương là trên hết, ít quan tâm đến những đề nghị kết nối thông thoáng của các luồng xanh thực sự để vận chuyển nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng thiêt yếu phục vụ cho sản xuất và kinh doanh. 

“Chính những tư tưởng cục bộ địa phương đó đã ngăn dòng chảy của các chuỗi cung ứng làm cho hàng hóa nhất là hàng nông sản thực phẩm bị ứ đọng, không tiêu thụ được, giá cả sụt giảm dẫn tới bị thua lỗ, thậm chí phá sản”, ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, việc làm có tính máy móc ở nhiều địa phương cũng ngăn cản dòng chảy của nguyên liệu vật tư đến các nhà máy sản xuất, hệ quả là công nhân không có việc làm, nhà máy ngừng sản xuất hoặc đóng cửa. 

“Chưa ai có thể thống kê được những tổn thất mà do 1 nhóm địa phương trên gây ra, nhưng chắc chắn là sẽ “đóng góp” 1 phần nào đó vào việc tăng trưởng âm 6,17% trong quý III/2021”, ông Phú thẳng thắn chia sẻ. 

Từ 20/9, Việt Nam chuyển sang 1 tình hình mới đó là tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt trong điều kiện vẫn phải tiếp tục chống dịch.

Theo ông Phú, muốn cho sản xuất kinh doanh tăng trưởng dần trở lại mức cũ, điều đầu tiên phải làm đó là khôi phục lại 1 cách nhanh chóng, chắc chắn các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy.

Ông Phú lấy dẫn chứng, bằng mọi giá, trong 10-15 ngày phải chuyển sang trạng thái mới thì hàng hóa trên thị trường nội địa được vận chuyển thanh thoát hơn, ít chi phí hơn.

Theo ông Vũ Vĩnh Phú, để Việt Nam bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhất thiết phải khai thông chuỗi cung ứng, trong 10 - 15 ngày.
Theo ông Vũ Vĩnh Phú, để Việt Nam bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhất thiết phải khai thông chuỗi cung ứng, trong 10 - 15 ngày.

Tại các chợ và siêu thị, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả đã giảm từ 15-30% so với trước. Không còn từ bình ổn giá xuất hiện mà do thị trường quyết định là chính. 

“Một số người gọi đó là "cây đũa thần" sau khi phá bỏ rào cản vô lý của chuỗi cung ứng trong thời gian trước đây. Một sự chỉ đạo kiên quyết của chính phủ và rất hợp lòng dân”, ông Phú nói.

Ông Vũ Vĩnh Phú tin tưởng, với nhiều giải pháp khác cùng với việc thiết lập lại các chuỗi cung ứng sẽ đem lại sự phát triển mạnh mẽ hơn trong quý IV/2021 góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cả năm 2021, làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/chuyen-gia-kinh-te-phai-khai-thong-chuoi-cung-ung-trong-vong-10--15-ngay-post160