Hướng dẫn sinh viên thực hành trên máy CNC
Theo các chuyên gia về giáo dục, E-Learning là một phương thức dạy học mới dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT). Với E-Learning, việc học là linh hoạt mở. Người học có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, với bất cứ ai, học những vấn đề bản thân quan tâm, phù hợp với năng lực và sở thích, phù hợp với yêu cầu công việc… mà chỉ cần có phương tiện là máy tính và mạng Internet. Phương thức học tập này mang tính tương tác cao, sẽ hỗ trợ bổ sung cho các phương thức đào tạo truyền thống góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục đào tạo là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của đất nước và cá nhân.
E-Learning sẽ là một phương thức dạy và học rất phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội. Mô hình này đã tạo ra những yếu tố thay đổi sâu sắc trong giáo dục, yếu tố thời gian và không gian sẽ không còn bị ràng buộc chặt chẽ, người học tham gia học tập mà không cần đến trường. Sự chuyển giao tri thức không còn chiếm vị trí hàng đầu của giáo dục, người học phải học cách truy tìm thông tin bản thân cần, đánh giá và xử lí thông tin để biến thành tri thức qua giao tiếp.
Thuật ngữ E-Learing đã trở nên quen thuộc trên thế giới trong một vài thập kỉ gần đây. Cùng với sự phát triển của tin học và truyền thông, các phương thức giáo dục ngày càng được cải tiến nâng cao chất lượng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người học. Ngay từ khi mới ra đời, E-Learning đã xâm nhập vào hầu hết các hoạt động huấn luyện và đào tạo của các nước trên thế giới, được chứng minh qua sự thành công của hệ thống giáo dục hiện đại có sử dụng phương pháp E-Learning của nhiều quốc gia như Mĩ, Anh.
Với tầm quan trọng của E-learning trong giáo dục và đào tạo, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng: Việc áp dụng E-learning vào giáo dục nghề nghiệp cần phải được quan tâm đúng mức. Các cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp cần sớm ban hành kế hoạch cụ thể phát triển E-learning trong phạm vi quản lý của mình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển E-learning. Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin; nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi về cước phí dịch vụ; đầu tư đào tạo bồi dưỡng trình độ cho giáo viên dạy nghề…
Phát triển hình thức đào tạo từ xa, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Thông tư quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thứcđào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Dự thảo thông tư có 3 chương, 19 điều, quy định các nội dung, bao gồm: Tổ chức và quản lý đào tạo từ xa; chương trình, giáo trình; thời gian; tổ chức thực hiện chương trình; kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và chứng chỉ sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Các chuyên gia cho rằng: Để triển khai mô hình đào tạo này trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tạo dựng nguồn tài nguyên, học liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý, hệ thống đánh giá công nhận văn bằng, trình độ người học. Riêng về đối tượng tuyển sinh cũng có đặc thù so với hệ thống đào tạo truyền thống vì cần đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn có thể tham gia khóa học đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Theo TS Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, việc ban hành thông tư là rất cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ các điều kiện, tạo cơ sở pháp lý để triển khai đồng bộ mô hình đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cần làm rõ một số nội dung trong dự thảo như các hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và các chính sách thu hút người học tham gia hệ thống đào tạo này.