Mặc dù đã sang ngày thứ 36 không ghi nhận bệnh nhân mới trong cộng đồng, tuy nhiên tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia ngày 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo dịch có thể xâm nhập qua người nhập cảnh, qua cửa khẩu, qua đường mòn lối mở, qua tổ bay của các chuyến bay nước ngoài...
 PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ với báo chí.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, tổ bay, phi hành đoàn, thủy thủ đoàn, người lái xe qua lại biên giới.

Hiện cũng đang có một số lượng lớn DN đầu tư vào Việt Nam, chuyên gia, người lao động có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam, tất cả người này phải cách ly tối thiểu 14 ngày.

Trong một diễn biến có liên quan, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh nhân nặng mắc Covid-19 tại nước ta đều được chữa khỏi, hiện chưa có trường hợp tử vong.

Riêng bệnh nhân số 91 (nam phi công người Anh), theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, dung tích vùng phổi hoạt động được của bệnh nhân đã tăng lên 30%, thay vì chỉ 10% như cách đây 1 tuần. Ngày 21/5, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận bệnh nhân số 91 để tiếp tục điều trị.

Hơn 10 ngày qua, bệnh nhân số 91 đã có kết quả 6 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân được thực hiện ở Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng chưa thấy sự hoạt động của SARS-CoV-2. Điều đó cho thấy, nam phi công đã được điều trị khỏi Covid-19.

"Hiện, bệnh nhân số 91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom, nhưng đã nhận được sự chăm sóc rất tích cực của các y, bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần qua, đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho phi công này, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi nhất đã 78 tuổi. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam. Tuy nhiên, với bệnh nhân này, cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Ngoài phương án ghép phổi, một phương án khác đang được tính đến, đó là chuyển bệnh nhân về Anh vì hiện bệnh nhân đã khỏi Covid-19. "Tuy nhiên, về vấn đề này, chúng tôi phải xem xét, cân nhắc. Mặt khác, hiện bệnh nhân còn hôn mê và phải chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) nên phải chờ bệnh nhân tỉnh, hồi phục, chúng tôi mới đưa ra phương án phù hợp"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.

Một bệnh nhân khác cũng được điều trị khỏi Covid-19 và đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị bệnh nền (di chứng xuất huyết não) là bệnh nhân số 161 (nữ, 88 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên). Hiện bệnh nhân này đã có những tiến triển rất tích cực, đang được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đề xuất cho ra viện trong thời gian sớm nhất.

Theo Kinh tế & Đô thị