Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cho thấy, thời gian qua đã xử lý vi phạm hành chính hơn 88 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017. Các địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý 41.229 cơ sở trong đó phạt tiền hơn 82 tỷ đồng; Bộ Công an đã phát hiện 6176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can; đang điều tra, xử lý 184 vụ…
Theo Bộ Y tế, nhiều tồn tại trong công tác an toàn thực phẩm cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt liên quan tới công tác kinh doanh thực phẩm chức năng. Điển hình như tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng olnine quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng kinh doanh mặt hàng này đã tận dụng phương tiện quảng cáo thực phẩm chức năng hiện rất đa dạng, phong phú, đặc biệt là việc sử dụng Internet, mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, trang web của tổ chức cá nhân đã không bị hạn chế về không gian, thời gian quảng cáo... Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, hóa chất trong sản xuất nông, thủy sản vẫn là vấn đề nhức nhối, nan giải; tình hình buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng vẫn xảy ra những trường hợp khó kiểm soát an toàn thực phẩm là: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật; cơ sở hạ tầng xuất phát điểm thấp; nhận thức của người dân trong việc sử dụng thức ăn đường phố, thức ăn bảo đảm an toàn thực phẩm còn thấp. Bà Tiến đề xuất các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; tôn vinh các cơ sở sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm; tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực cho các chi cục an toàn thực phẩm, các chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của địa phương.
Kiểm tra, phát hiện thực phẩm chức năng giả
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, trong năm 2018, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, công tác an toàn thực phẩm đã có tiến bộ từ xây dựng ban hành văn bản đến hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Theo đó, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng liên quan, việc xử lý vi phạm trở nên nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng nhiều lần so với trước.
Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục kiên trì kiểm soát, đó là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, giết mổ gia súc gia cầm, kinh doanh sản phẩm tươi sống.
Đối với thực phẩm chức năng, Bộ Y tế cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, cho phép các nhà thuốc, siêu thị được bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhưng dứt khoát sản phẩm chức năng phải sử dụng đúng tên, không lẫn với thuốc và nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức nghiêm trị.
Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm. Trọng tâm cần thực hiện là tại các đô thị lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo thực phẩm chức năng. Mọi hành vi “vàng thau lẫn lộn” giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh để đánh lừa người tiêu dùng đều phải bị nghiêm trị. Thậm chí cần tiến hành điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh một số vụ việc nổi cộm để răn đe và cảnh tỉnh.